Khăn gói lên Đà Lạt học cách xây dựng tiết kiệm

(Dân trí) - Tỉnh Lâm Đồng xây dựng quảng trường Lâm Viên tại thành phố Đà Lạt với dự toán kinh phí 681,5 tỉ đồng. Nhưng hoàn thành công trình với kinh phí 570 tỉ đồng, thừa trên 111 tỉ đồng so với dự toán, tương đương 17% tổng mức đầu tư dự án.

 

Khăn gói lên Đà Lạt học cách xây dựng tiết kiệm - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Chuyện lạ xảy ra, nghe như bịa, nhưng có thật. Ở nước mình, xây dựng xong dự án, thừa tiền đến 17% quả là “phép lạ”.

Mới đây thôi, TPHCM thông báo tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) tăng vốn từ 1,3 lên 2,1 tỉ USD, tức đội vốn 800 triệu USD. Trước đó, tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) cũng đội vốn từ 1,09 tỉ USD (phê duyệt năm 2002), lên 2,49 tỉ USD, điều chỉnh năm 2011.

Hà Nội cũng nổi tiếng với dự án tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông, tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD, nhưng sau đó điều chỉnh lên 868,04 triệu USD, đội vốn 315,18 triệu USD so với tổng mức ban đầu. Cho đến nay, chưa biết dự án này đã chịu đứng yên không “đội” thêm đồng nào hay không?

Còn nhiều dự án khác ở Hà Nội và TPHCM cũng tham gia đội vốn và kéo dài thời gian hoàn thành. Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, các dự án đường sắt đô thị đang được triển khai ở Hà Nội và TPHCM đều chậm tiến độ từ 2 – 5 năm, và đều phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 50 – 172%, tương đương hàng tỉ đô la Mỹ.

Khi điều chỉnh tăng vốn đầu tư, người ta đưa ra nhiều lý do rất thuyết phục như giá nguyên liệu tăng, lương tối thiểu tăng… Dự án càng kéo dài, thất hứa hoàn thành theo cam kết càng nhiều lần thì vốn đầu tư cứ đội lên. Vì sao kéo dài, cũng có lý do như giải phóng mặt bằng chậm, năng lực chủ đầu tư và các ban quản lý còn hạn chế, nói chung là rất thuận tai. Nhưng nghĩ lại sẽ thấy, lý do duy nhất là năng lực quản lý của con người.

Kể tên những dự án ngàn tỉ vì nhiều người biết đến, nhưng còn nhiều dự án nho nhỏ vài trăm tỉ đồng cũng đội vốn. Mỗi nơi một ít, cộng lại cũng tiền tấn như không, kể ra chỉ thêm sốt ruột và xót ruột.

Chủ đầu tư dự án quảng trường Lâm Viên Đà Lat không cho biết cụ thể bằng cách gì mà họ thừa đến 111 tỉ đồng để thiên hạ được tỏ tường. Tiết kiệm bằng cách tổ chức thi công hợp lý, bằng cách không vẽ vời thêm những hoa lá cành tốn kém vô ích, bằng cách cắt bớt những hạng mục không cần thiết, bằng cách sử dụng vật liệu và thiết bị rẻ tiền hơn, hay bằng cách không thối lại phần trăm hoa hồng các thứ?

Cách hay nhất là UBND TP Đà Lạt nên mở một lớp hướng dẫn về mô hình tiết kiệm trong thực hiện các dự án xây dựng để các nơi khăn gói đến học tập.

Lê Chân Nhân