Khá “bảnh” và “hội chứng lệch chuẩn”
(Dân trí) - Một thanh niên hư hỏng, từng có nhiều tiền án, tiền sự, dương tính với ma túy vừa bị khởi tố vì tội tổ chức đánh bạc lại là “thần tượng” của một số bạn trẻ.
Mỗi khi Ngô Bá Khá (còn gọi là Khá "bảnh", SN 1993, ở Từ Sơn, Bắc Ninh) đăng tải trên mạng với những việc làm nhăng nhít, nói năng nhảm nhí đều được nhiều bạn trẻ tung hô. Thậm chí, khi anh ta về một tỉnh miền núi, còn được chào đón như một… người hùng!
Điều gì đang xảy ra thế này?
Đó là câu hỏi day dứt những bậc cao tuổi, những người có lương tri trong những ngày qua và câu trả lời đó là sự “lệch chuẩn”.
Có lẽ để khách quan và khoa học, trước hết hãy nhìn nhận hành vi này ở góc độ tâm sinh lý.
Khi người ta trẻ, luôn sẵn trong mình tâm lý muốn làm khác người, muốn “nổi loạn”. Cái tâm lý này nếu phát huy theo hướng tích cực, là động lực phát triển xã hội. Đã có không ít những phát minh, sáng chế, những tác phẩm văn học, nghệ thuật sản sinh ra từ sự “nổi loạn” của tuổi trẻ.
Tuy nhiên ngược lại, nếu “lệch chuẩn”, nó sẽ trở thành mối hiểm họa không chỉ cho cá nhân người đó mà còn tác động xấu đến cộng đồng, xã hội.
Nhất là thời gian gần đây, với sự phát triển của công nghệ thông tin, chỉ cần một cái “nhích chuột” sau ít phút đã được truyền tải đi khắp nơi thì những hành vi “lệch chuẩn” càng có đất dụng võ.
Song, nhìn sâu xa, sự “lệch chuẩn” hiện nay không chỉ ở trong giới trẻ, thậm chí không chỉ đối với cá nhân.
Xin hỏi việc khen thưởng cho một cán bộ nào đó không nhận hối lộ chẳng hạn, liệu có là “lệch chuẩn” bởi nhận hối lộ là hành vi vi phạm pháp luật, phải kỉ luật, thậm chí là ngồi tù mà mức án cao nhất là tử hình.
Vậy việc cán bộ không nhận hối lộ là đương nhiên, là bình thường sao lại khen thưởng trong khi việc khen, thưởng chỉ dành cho những hành động phi thường? Nếu khen thưởng cho việc không nhận hối lộ tức là công nhận đó là việc phi thường thì chả lẽ nhận hối lộ lại là việc bình thường?
Rồi việc một số cán bộ, công chức giàu có, xe sang, biệt phủ, con cái du học… được không ít người thán phục trong khi ai cũng biết, với mức lương công chức như hiện nay, giàu có là việc bất thường.
Nói trắng ra, nếu không tiêu cực, tham nhũng, nhận hối lộ hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì khó có thể giàu.
Vậy thì sao phải “thán phục” nhỉ nếu không nói là ngược lại và việc khen thưởng, thán phục phải chăng thực chất cũng là một dạng “lệch chuẩn”?
Trở lại chuyện của cậu thanh niên kia, người có lỗi tất nhiên là cậu ta nhưng không thể không có lỗi của nhà mạng mà theo thông tin mới nhất, họ đã trả hàng trăm triệu cho anh ta làm việc này.
Đặc biệt là những địa phương, đơn vị đã mời anh ta về… “biểu diễn” bởi việc làm của họ đã tiếp tay cho cái xấu lan truyền.
Bùi Hoàng Tám