Kê khống và nợ công
(Dân trí) - Câu chuyện Kiểm toán Nhà nước công bố việc mua sắm trang thiết bị y tế, đấu thầu thuốc tại Gia Lai bị kê khống từ 5,6 tỷ đồng lên đến 16,7 tỷ đồng có liên quan gì đến vấn đề nợ công ngày càng lớn?
Thông tin trên xuất phát từ một bản tin trên báo Tuổi trẻ và đã được ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai thừa nhận: Kết luận của Kiểm toán Nhà nước mới công bố tháng 1/2017 cho thấy, sai phạm trong các gói mua sắm trang thiết bị y tế, đầu thầu thuốc tại Gia Lai từ năm 2013 - 2015 lên đến hàng chục tỉ đồng.
Trong những sai phạm trên, đáng nói nhất là có nhiều gói mua sắm dù giá trị thực tế thấp nhưng được kê vượt gấp nhiều lần. Trong đó, gói mua trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Lao phổi có giá trị thực 12,1 tỉ đồng nhưng được kê lên 22,3 tỉ đồng; gói mua máy thở tại Bệnh viện tỉnh có giá 6,6 tỉ đồng nhưng được kê 10,1 tỉ đồng; gói mua trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Tâm thần kinh giá 5,6 tỉ đồng nhưng được kê lên 16,7 tỉ đồng, gói mua trang thiết bị y tế cho Bệnh viện huyện Chư Pứh chỉ 9,6 tỉ đồng nhưng được kê lên 22,1 tỉ đồng.
Được biết, nguồn kinh phí mua sắm nói trên là nguồn vốn đầu tư phát triển và cả bảy gói thầu mua sắm đều bị kê chênh lệch. Có những nơi như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, riêng việc mua kính hiển vi phẫu thuật thần kinh cột sống, qua kiểm toán phát hiện chênh lệch so với thị trường 8,7 tỉ đồng.
Điều đáng nói là với những vi phạm như vậy, giống rất nhiều cuộc kiểm toán khác được thực hiện hàng năm, cơ quan kiểm toán mới chỉ yêu cầu khắc phục sai phạm, nghĩa là phải bồi hoàn, nộp trả ngân sách các khoản chi sai, kê khống và hiện tại, chưa có ai bị xử lý vi phạm. Không chuyển khởi tố cũng như chưa có kỷ luật ai.
Ở vụ việc tại Gia Lai, được biết cơ quan Kiểm toán Nhà nước đã gửi văn bản thông báo kết quả kiểm toán cho UBND tỉnh Gia Lai đề nghị xử lý, khắc phục.
Thực tế, mỗi năm, cả ngành kiểm toán và ngành thanh tra đều tiến hành đến hàng trăm ngàn cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Cũng có một số vụ việc được chuyển cơ quan điều tra xử lý nhưng con số này thường không nhiều. Và số vụ việc mà các đoàn thanh tra, kiểm toán trong phần kết luận đề nghị xử lý người đứng đầu thường rất hiếm.
Cho dù số tiền kiến nghị thu hồi nộp trả ngân sách từ các khoản thu, chi sai mà ngành kiểm toán, thanh tra đề xuất thường lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng/năm. Nhưng đáng buồn là thực tế tỷ lệ thu hồi số tiền, tài sản vi phạm, theo như thống kê của 2 ngành này cũng chỉ đạt con số khoảng 70-80% (Thanh tra Chính phủ năm 2016 chỉ thu được 71,2% số tiền, tài sản kiến nghị thu hồi).
Nhìn vào việc xử lý với những chuyện kê khống, gian lận trong việc mua sắm, đấu thầu thiết bị y tế của tỉnh Gia Lai của Kiểm toán Nhà nước như đã nêu, có thể thấy, tại sao với hàng trăm ngàn cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hàng năm mà kết quả lại hạn chế như vậy. Bởi sai phạm đã không được xử lý đúng mực, đủ sức răn đe để các đơn vị, cá nhân ở Gia Lai và ở tất cả các tỉnh, thành phố khác không làm bậy. Khi sai phạm khá nghiêm trọng, có thể làm thất thoát lớn ngân sách nhà nước như vậy mà không ai bị làm sao, thì rõ ràng, có số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra có nhiều hơn nữa cũng ích gì?.
Khi bình luận trên báo về chuyện kê khống giá trị thiết bị y tế ở Gia Lai, nhiều người dân đều gắn đến câu chuyện nợ công dù có vẻ như, số tiền kê khống đó là rất nhỏ so với số tiền nợ công hiện nay: Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính cuối năm 2016 dư nợ công khoảng 64,73% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 53,62%. Hai con số này đều đã tiến đến sát ngưỡng nợ không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP trong Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 – 2020.
Nhưng đó là nỗi lo có thực. Bởi đâu chỉ có ở các cơ sở y tế Gia Lai ? Còn rất nhiều cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, theo kết luật kiểm toán, thanh tra được công bố hàng năm, cũng kê khống giá trị mua sắm, đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước, lãng phí, tham nhũng tiền ngân sách...Xem báo cáo kết quả kiểm toán tổng hợp hàng năm của Kiểm toán Nhà nước, mới thấy, nạn "kê khống" trong đầu tư, mua sắm tài sản công hiện nay rất kinh khủng: Kê khống khối lượng, kê khống giá trị thi công, mua sắm, kê khống nguyên, vật liệu...
Nhưng cách xử lý vi phạm, sai phạm cuối cùng vẫn chủ yếu chỉ có thế thôi, như ở Gia Lai: Lại yêu cầu chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, nghiêm túc kiểm điểm... thì những sai phạm, vi phạm đó sẽ còn nối dài, thậm chí còn nghiêm trọng hơn, khiến cho những đồng vốn đầu tư từ ngân sách trở lên kém hiệu quả và nợ công sẽ không có cách nào để giảm bớt.
Mạnh Quân