“Ỉm” dân thế này, đâu đơn giản chỉ “hành là chính”?!

(Dân trí) - 442.017.000 đồng – đây là số tiền đền bù đất mà nhiều hộ dân ở thôn 9, xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá nhẽ ra đã được nhận được từ năm 2015. Thế nhưng, phải mất đến 4 năm sau, người dân ở đây mới nhận được 300 triệu đồng, số tiền còn lại hơn 142 triệu đồng, xã đang “khất nợ”.

m_tien-den-bu.jpg

 

Dẫu vậy, đây cũng đã là một “bước tiến” lớn trong việc đòi quyền lợi của dân, bởi rằng, họ đã phải “nhiều lần có ý kiến phản ánh đến chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng” thì mới giải quyết được chừng ấy.

Điều nực cười là khi phóng viên Dân trí thắc mắc thì được ông Đỗ Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Ngọc trả lời: “Nếu đúng ra là không trả cho các hộ được, nhưng người dân có ý kiến thắc mắc, có nhu cầu và đằng nào cũng là ruộng của họ thì trả chứ không giữ làm gì cả. Thanh tra huyện cũng yêu cầu trả tiền cho các hộ”.

Ơ hay?! Vậy “đúng ra” thì sẽ như thế nào? “Đúng ra” là xã giữ số tiền hay sao, khi mà bản thân ông Phó Chủ tịch cũng thừa nhận rằng “đằng nào cũng là ruộng của dân”. Phóng viên hỏi thêm: Tiền đền bù đất ruộng ở đây là đến bù cho các hộ dân hay đền bù cho thôn, thì bất ngờ thay, ông lãnh đạo này trả lời thời điểm đó chưa làm quản lý nên “không nắm được” là đền bù cho thôn hay trực tiếp cho dân.

Cá nhân người viết đánh giá cách trả lời của ông Tiến như trên chỉ mang tính chống chế và bao biện. Bởi khi lên làm lãnh đạo mà không nắm được vấn đề ở địa phương, nhất lại là việc “nước sôi lửa bỏng” đang gây bức xúc với người dân thì quả là vô trách nhiệm. Với “tư duy nhiệm kỳ” như vậy thì không hiểu hàng loạt vấn đề khác mang tính dài hơi, dài hạn sẽ được cán bộ địa phương này giải quyết ra sao?

Sự chậm chạp của các vị lãnh đạo xã thì đã rõ. Đến cấp cao hơn, ông Nguyễn Văn Khánh – Chánh Thanh tra huyện Hoằng Hoá lại giải thích rằng: “Sau khi nhận được đơn, theo quy định của pháp luật, xã phải xem xét và trả lời trước. Nếu công dân chưa đồng ý, chúng tôi sẽ tham mưu Chủ tịch, thuộc thẩm quyền của ai, giao Thanh tra hay giao cho các cơ quan có thẩm quyền, lúc đó chúng tôi mới làm”.

Ông này cho biết thêm, nội dung liên quan đến tiền đền bù đất của dân mới phát sinh nên Thanh tra chưa làm. Hiện, Thanh tra huyện đang tiến hành khảo sát, xác minh để có kết luận một số nội dung khác.

Nói rông dài thì theo ý của vị thanh tra huyện, sự chậm trễ này có lý do cả, mà chắc chẳng có lý do nào “chính đáng” hơn là xuất phát bởi “quy trình”. Quy trình khiến cho việc chi trả tiền đền bù phải kéo dài đến 4 năm, bắc cầu nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác, và theo đó lại càng có lý do để… chậm!

Với số tiền 442 triệu đồng bị “ỉm” suốt một thời gian dài, nay xác định trả cho dân mà vẫn còn nợ hơn 142 triệu đồng. Bất cứ ai cũng sẽ đặt câu hỏi: Vậy tiền đó đã ở đâu? Tiền đó nằm yên hay dùng để làm gì?

Chưa nói đến những chi phí cơ hội để người dân giải quyết công việc bị bỏ qua, chưa kể đến tiền lãi, chưa kể đến công sức thời gian mà người dân phải đâm đơn khiếu nại, bức xúc thay,  theo tố cáo của dân, số tiền này đã được ông Bùi Ngọc Châu, Chủ tịch UBND xã Hoằng Hải (thời điểm đó là Chủ tịch UBND xã Hoằng Ngọc) lấy để sử dụng vào mục đích cá nhân. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng huyện Hoằng Hóa tiếp tục xác minh, làm rõ.

Nếu quả thực như tố cáo của dân, thì vụ việc này không đơn thuần chỉ nằm tại tình trạng “hành là chính” của cán bộ xã, mà còn nghiêm trọng hơn thế, có dấu hiệu tham ô, chiếm giữ tài sản và không ai khác, ông Bùi Ngọc Châu sẽ phải chịu trách nhiệm không chỉ trước dân mà còn trước pháp luật.

Vốn đã được dân tin tưởng giao trọng trách, nhận lương ngân sách để giải quyết công việc cho dân, vậy mà còn xâm phạm quyền lợi chính đáng của dân. Những cán bộ như thế, thiết nghĩ, phải loại bỏ khỏi bộ máy, càng sớm càng tốt!

 

Bích Diệp