Hồn Việt

Dạo này tôi thấy hay xuất hiện cụm từ “hồn Việt”, đặc biệt khi các nhà báo viết về bộ phim Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long (có lẽ) sắp chiếu.

“Tìm đâu hồn Việt?”, một nhà báo chọn làm đầu đề. “Êkíp thực hiện cho rằng phim vẫn mang đậm hồn Việt bởi tinh thần phim và diễn xuất của các diễn viên”, một nhà báo khác kể lại.

Tôi chưa xem phim đó nên chưa có nhận xét về nó. Nhưng tôi có nhận xét về phim lịch sử nói chung. Đó là: đã là phim truyền hình nên không thể hoàn toàn giống y chang lịch sử. Chấm hết.

Theo một người bạn của tôi là nhà ngôn ngữ học trẻ, cách đây 1.000 năm tiếng Việt đã không có dấu. Bạn ấy đang học tiến sĩ ở một trường đại học danh tiếng của Mỹ - đề tài luận văn tốt nghiệp là Sự xuất hiện của hệ thống thanh điệu trong ngôn ngữ tiếng Việt.

Theo bạn ấy nghiên cứu (và theo wikipedia ghi lại) “Tiếng Việt cổ bắt nguồn từ ngôn ngữ Môn-Khơme thông qua luận cứ chủ yếu là: tiến trình chuyển biến từ tiếng Việt cổ không có thanh điệu (như phần lớn các ngôn ngữ Nam Á) sang tiếng Việt hiện đại có thanh điệu.”

Điều thú vị là nếu một ông Hà Nội từ cách đây 1.000 năm bỗng xuất hiện cạnh bờ hồ trong ngày hôm nay thì…sẽ không có ai hiểu ông ấy đang nói gì.

Ví dụ, cách đây 1.000 năm người Hà Nội nói “kơ-nui”. Dần dần người ta bỏ chữ “kơ” ở trước thành “nui”. Sau một thời gian và cùng với sự ảnh hưởng từ miền nam Trung Hoa, người ta thêm dấu sắc vào thành “núi”. (Ví dụ chưa chuẩn nhưng tiến trình chuyển biến là thế).

Tiếng Anh cũng vậy – tôi đọc các bài thơ tiếng Anh viết cách đây khoảng 1.000 năm (Beowolf, v.v.) tôi không hiểu từ nào hết. Tôi phải đọc bản dịch tiếng Anh hiện đại mới hình dung được câu chuyện và nhân vật.
Hồn Việt - 1

Vậy nếu phim Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long được thực hiện đúng theo lịch sử thì không chỉ trang phục và bối cảnh quay phải “đúng thời điểm” mà ngôn ngữ và giọng nói của các diễn viên nữa. Tức các diễn viên phải nói tiếng Việt không dấu. Họ phải lên kơ-nui.

Dưới cái nhìn đó, những bài viết “đả kích” phim ấy vì trang phục “không đúng”, cung đình không đúng, kiểu tóc không đúng, v.v, có chất vô lý. Không thể khắt khe ở lĩnh vực như trang phục mà lại lỏng lẻo ở lĩnh vực khác như ngôn ngữ. Nếu yêu cầu “phải chuẩn” thì phải chuẩn hết – nếu không thì các nhà báo đó phải chấp nhận đó là bộ phimdựa trên câu chuyện lịch sử, không phải lịch sử kể lại từng chi tiết một.

Nhiều nhà phê bình nói rằng họ không nhận ra “hồn Việt” trong phim. (Hy vọng họ xem hết các tập trước khi nói.) Họ có quyền nói thế. Tuy nhiên, nếu họ nghe tiếng Hà Nội của cách đây 1.000 năm chắc họ cũng không nhận ra hồn Việt đâu. Nếu không có ai nói với họ rằng đó là tiếng Hà Nội chắc họ chỉ nghĩ đó là tiếng dân tộc thiểu số.

Trong một bài phỏng vấn gần đây, đạo diễn Lưu Trọng Ninh nói: “Bộ phim này không nhằm chứng minh lịch sử. Nếu đúng lịch sử thì phụ nữ phải nhuộm răng đen, Lý Công Uẩn cao 1,55m, cưỡi ngựa, thành quách nhà Tiền Lê thật là sơ sài, người dân thật là nhỏ bé… Nhưng tất cả những chuyện đó đều không quan trọng, nhu cầu người xem là quan trọng nhất.”

Tôi thấy bác ấy nói rất đúng.

Hồn Việt (hồn của bất cứ dân tộc nào) không phải là ngôn ngữ, không phải là trang phục, không phải là bối cảnh quay, đạo diễn chính hay người viết kịch bản. Hồn Việt là những hành động nhỏ, cách nhìn nhau, cách nhìn xung quanh, tư duy Việt được thể hiện bằng ánh mắt diễn viên Việt.

Nếu điều đó thuyết phục khán giả thì phim đã thành công.

Joe