Hoá ra doanh nghiệp Vinamit vẫn còn “may” chán!

Bích Diệp

(Dân trí) - “May mắn” cho doanh nghiệp này là dù đã “lên bờ xuống ruộng”, mất bao nhiêu thời gian vì thanh, kiểm tra nhưng tiếng kêu cứu của họ cũng đã tới được Thủ tướng!

Hoá ra doanh nghiệp Vinamit vẫn còn “may” chán! - 1

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch tỉnh Bình Dương thực hiện kiến nghị của Bộ Nội vụ và chấn chỉnh những tồn tại, bảo đảm công tác kiểm tra, thanh tra khách quan đúng pháp luật đối với Công ty Vinamit.

Độc giả cho rằng, đây là một chỉ đạo rất kịp thời, hợp tình, hợp lý. Điều này cũng có nghĩa, hoạt động thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương với Vinamit có vẻ như đang không được lòng dư luận. Vì sao lại thế?

Văn bản của Bộ Nội vụ báo cáo lên Thủ tướng cho hay, cơ quan này nhận thấy UBND tỉnh Bình Dương và Sở TN&MT tỉnh này còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thanh kiểm tra đối với Công ty Vinamit.

Đoàn kiểm tra này được giao nhiệm vụ kiểm tra “việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực đất đai” của Vinamit nhưng lại kiểm tra về hiệu quả sử dụng đất.

Tại bài viết trên Dân Trí ngày 27/7 đã chỉ ra, uẩn khúc phía sau của hoạt động thanh, kiểm tra này, hoá ra không đơn thuần chỉ là “chấn chỉnh vi phạm”.

Báo Đầu tư ngày 12/6 cho hay, trước kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Bình Dương khóa IX, đơn vị huyện Phú Giáo, có 1 cử tri xã Phước Sang bỗng đề xuất: “Đề nghị tỉnh xem xét thu hồi đất của Công ty Vinamit để quy hoạch khu dân cư tập trung dọc hai tuyến đường ĐH.504 và 508, nhằm tạo tiềm lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương!”.

Diễn biến sau đó cũng thật ly kỳ. Ban đầu, Đoàn kiểm tra Sở TN&MT Bình Dương bác kiến nghị của cử tri muốn xóa sổ nông trại Vinamit thành khu dân cư vì cho rằng không có cơ sở. Bởi vì, hơn 152 ha đất nông trại của Vinamit đã được chuyển sang hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất 1 lần.

Thế nhưng sau đó, Sở TN&MT đã bất ngờ chuyển hướng khi “kết án” rằng, hiệu quả việc sử đất tại nông trường của Vinamit đóng góp cho ngân sách để phát triển kinh tế địa phương trong thời gian qua là không có.

Nhận định của Sở TN&MT được cho là mâu thuẫn với thực tế mà Vinamit đã đóng góp cho tỉnh Bình Dương. Ngoài số tiền sử dụng đất 32 tỷ đồng thì hàng năm, doanh nghiệp này còn đóng thuế giá trị gia tăng trên dưới 30 tỷ đồng.

Xin chưa nói đến đóng góp của Vinamit với ngân sách địa phương là nhiều hay ít, nhưng việc Sở TN&MT “phủi sạch” những khoản đóng góp đó rõ ràng là không sòng phẳng với doanh nghiệp.

Cơ quan này liệu có quá “bao đồng” và “quan tâm thái quá” đến doanh nghiệp hay không khi đã thu tiền sử dụng đất 1 lần, đã cho doanh nghiệp thuê đất rồi còn can thiệp vào hiệu quả sử dụng đất của doanh nghiệp? Thiết nghĩ, bản thân chủ doanh nghiệp mới là người hơn ai hết lo lắng nhất về điều này.

Nếu đã sốt sắng với kết quả kinh doanh, với đóng góp của doanh nghiệp cho ngân sách, vậy sao còn liên tục thanh, kiểm tra gây phiền phức đến doanh nghiệp như vậy? Thử hỏi, vừa chống chọi với tác động của Covid-19 nay lại còn bị thanh tra, kiểm tra lần này đến lần khác, doanh nghiệp còn tâm trí nào làm ăn?

Công luận đặt nghi vấn có chuyện đây chỉ là cái cớ để chính quyền địa phương thu hồi đất của doanh nghiệp nhằm phân lô bán nền không? Nếu có chuyện như vậy thì rất khó chấp nhận và hoàn toàn vô lý nếu Vinamit bị “đuổi” khỏi mảnh đất mà họ đã trả tiền thuê trong khi vẫn sản xuất kinh doanh bình thường.

Người viết còn băn khoăn, kiến nghị của 1 cử tri ở trên về “xem xét thu hồi đất” liệu có tác động gì đến Sở TN&MT tỉnh Bình Dương? Phải chăng chính quyền địa phương này lại “lắng nghe” cử tri đến mức đó?

Người viết cho rằng, trong quá trình sản xuất kinh doanh, nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật, buôn lậu, trốn thuế, gây hại môi trường, ảnh hưởng xấu đến người dân… thì buộc phải xử lý nghiêm, nhưng không nên “bới lông tìm vết”, lấy bất cứ lý do gì làm “cớ” nhằm “hành” doanh nghiệp hay vì mục đích bất minh nào khác.

Đằng sau sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, không chỉ là ngân sách mà còn là cuộc sống của hàng nghìn người lao động, là chỗ dựa của người nông dân, là quyền lợi người tiêu dùng và còn là thương hiệu quốc gia trên thị trường quốc tế!

Nói là “thượng tôn pháp luật” nhưng giả như kiến nghị của doanh nghiệp không đến được Bộ Nội vụ, không đến bàn Thủ tướng, thì số phận doanh nghiệp sẽ ra sao?