Họ không còn là “vua con” mà đã thành “lão phật gia”?!

(Dân trí) - Cần làm rõ “lão phật gia” là ai? Ai đã tự phong tặng (hoặc “bị” phong tặng) cái danh hiệu quyền uy này? Họ có còn xứng đáng với đồng chí, đồng bào của mình không? Và tại sao lại có việc “cắt” chi tiết này trong cáo trạng của Viện Kiểm sát Hà Giang?

Họ không còn là “vua con” mà đã thành “lão phật gia”?! - 1

Đã hơn một năm trôi qua, vụ gian lận thi cử tại 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng.

Những ngày này, tại Hà Giang, phiên sơ thẩm xét xử vụ án đang được tiến hành. Đã có nhiều những câu hỏi được đặt ra và một trong những câu hỏi đó là theo kết luận của Cơ quan điều tra Công an tỉnh này, trong số các vật chứng cảnh sát thu giữ có mẩu giấy khổ 10x9cm ghi “P.T.H.Tr, SBD: 070389; P 17; HĐT Hùng An (Lão phật gia nhờ)”. Dư luận đang đặt câu hỏi, “lão phật gia”ở đây là ai?

Trên báo Tiền phong, bài “Xét xử vụ gian lận điểm thi Hà Giang: Làm rõ 'lão phật gia' nhờ nâng điểm là ai?” còn đặt câu hỏi nghi ngờ việc cắt bỏ chi tiết này:

“Bản cáo trạng của Viện KSND tỉnh Hà Giang công bố ngày 22/8/2019 nêu cảnh sát đã thu giữ 26 vật chứng. Trong đó, cũng có mẩu giấy khổ 10x9cm có ghi: “P.T.H.Tr, SBD: 070389; P 17; HĐT An Hùng”, được thu giữ tại nhà bị can Nguyễn Thanh Hoài.

Những thông tin về vật chứng này trùng khớp với mẩu giấy là vật chứng do cơ quan điều tra kết luận. Tuy nhiên, trong cáo trạng đã “cắt” chi tiết trên mẩu giấy ghi “lão phật gia” như trong bản kết luận của Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh trước đó. Ngoài ra, cảnh sát cũng thu giữ một mẩu giấy khác có kích thước 20x15cm có ghi “chuyên 3”. Bài báo viết.

Đọc những thông tin trên, không khỏi có cảm giác vụ việc ở Hà Giang đang được xét xử chưa đi đúng hướng, tức là chưa tìm ra “đúng người, đúng tội”, “sâu chúa” vẫn được né tránh và điều này khiến dư luận bất bình.

Trên báo Dân trí, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, qua tiếp xúc trước kỳ họp 8 của Quốc hội, cử tri đã bày tỏ bức xúc về việc xử lý trách nhiệm cán bộ trong vụ gian lận thi cử ở Hà Giang.

Ông Phúc nhận xét, xử lý trách nhiệm hậu vụ gian lận thi THPT quốc gia 2018 chưa thuyết phục. Người dân phản ứng sau kết luận xử lý cán bộ của UB Kiểm tra tỉnh uỷ Hà Giang, yêu cầu phải “xử” sao cho đúng đối tượng vì hiện tượng né trách nhiệm tương đối rõ.

Tóm lại theo tôi, một trong những câu hỏi đặt ra với Hà Giang trong vụ án này là cần làm rõ “lão phật gia” là ai? Ai đã tự phong tặng (hoặc “bị” phong tặng) cái danh hiệu quyền uy này? Họ có còn xứng đáng với đồng chí, đồng bào của mình không? Và tại sao lại có việc “cắt” chi tiết này trong cáo trạng của Viện Kiểm sát Hà Giang?

Thông tin mới nhất từ Dân trí cho biết tại tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài đã khai "lão phật gia" là bà Tống Thị Bê – cựu Chủ tịch Công đoàn Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang. Số báo danh kèm theo mảnh giấy có ghi chữ "Lão phật gia" không liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2018, mà chỉ là nhờ xem điểm giúp.

Tuy nhiên, tác giả vẫn hoài nghi nên trong tít bài đã đặt dấu hỏi chấm (?): Xét xử vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang: Đã xác định danh tính "lão phật gia"?. Sự hoài nghi này hoàn toàn có lý do của nó, nhất là “chỉ là nhờ xem điểm”?  

Cách đây 3 năm, Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận (5/2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo:

“Một số người có chức, có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một "ông vua con" ở đấy”.

Thế nhưng ở đây, họ không còn là “ông vua con” mà thành vua của những “ông vua con” – Lão Phật gia.

Thật là kinh khủng khiếp!

Bùi Hoàng Tám