Họ đã gian lận, có luật mà thiếu giám sát cũng… bằng không?
(Dân trí) - Đã có nhiều vụ kê khống giá trị khi chỉ định thầu được phát hiện. Nhưng đến nay, có nhiều vụ việc khác cho thấy, ngay cả khi được đấu thầu, những kẻ gian lận vẫn tìm mọi cách lách qua.
Nhiều độc giả chắc cũng đã biết, đầu năm nay, Dương Nhật Cảm, nguyên Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cùng 9 người khác đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố Cảm và đồng bọn với tội danh "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" (khoản 3, điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015) với khung hình phạt 10-20 năm tù.
Đầu tháng 9 vừa qua, tại Hà Tĩnh, Cơ quan Cảnh sát điều tra của tỉnh này cũng đã phát hiện một vụ khác nâng khống gói thiết bị y tế (máy giặt, máy sấy) từ 2 tỷ đồng lên 12 tỷ đồng để bán cho 4 bệnh viện của tỉnh này tại Công ty CP đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh.
Tưởng rằng, các vụ tiêu cực được phát hiện, xử lý sẽ có tính răn đe cao nhưng gần đây, cơ quan chức năng phát hiện một loạt vụ việc khác, cũng có dấu hiệu gian lận trong mua sắm thiết bị, vật tư (nhiều vụ vẫn xảy ra trong ngành y tế) dù đã qua tổ chức đấu thầu.
Điển hình nhất là vụ việc nâng giá thiết bị tại Bệnh viện Bạch Mai với nhiều gói thầu trị giá hằng trăm tỷ đồng do Công ty Cổ phần công nghệ Y tế BMS (BMS) thực hiện.
Một vụ việc "nóng" khác, ngày 10.10, Báo Tuổi trẻ và nhiều báo khác đưa tin: Tỉnh ủy Cà Mau đã có công văn yêu cầu Sở Y tế của tỉnh này kiểm tra, báo cáo việc Bệnh viện Đa khoa Cà Mau mua thiết bị y tế (máy chụp CT) giá 30,6 tỷ đồng nhưng cũng thiết bị này, ở các địa phương khác chỉ 15 tỷ đồng.
Cho dù máy chụp CT này được mua cũng qua tổ chức đấu thầu, đơn vị trúng thầu là Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ Hợp Phú (Hà Nội) nhưng việc giá trúng thầu thiết bị đắt gấp đôi giá sản phẩm cùng loại mà một bệnh viện lớn tại TPHCM đã mua(với gía 15,3 tỷ đồng) đã đặt ra câu hỏi lớn về sự minh bạch của việc tổ chức đầu thầu nói trên.
Cho nên, để hạn chế tình trạng gian lận, tiêu cực trong mua sắm công, Luật Đấu thầu và các nghị định hướng dẫn liên tục được sửa đổi, bổ sung nhưng điều đó cũng đã không hoàn toàn ngăn chặn được hết các vụ tham nhũng, kê khống giá thiết bị, vật tư mua sắm trên thực tế.
Có lẽ ngoài luật, nhà nước cần nhiều hơn các cơ chế giám sát khác, huy động sự tham gia của người dân, cộng đồng, báo chí.... mới có thể đảm bảo được quy định về đấu thầu, mua sắm công được thực hiện có hiệu quả.