Ký sinh trên người bệnh còn đáng sợ hơn virus!
(Dân trí) - Chỉ hi vọng sao các quy định chẳng những phòng người ngay mà còn tránh được kẻ gian. Vì khi tham nhũng xảy ra, một bàn tay không bao giờ vỗ nên tiếng, mà “hệ thống” thì lại hoạt động rất tinh vi.
Thông tin mới nhất liên quan đến vụ nâng giá thiết bị từ 2 tỷ lên 12 tỷ đồng ở Hà Tĩnh, trong tối ngày 18/9, Cơ quan CSĐT đã quyết định khởi tố vụ án, ra lệnh tạm giam, lệnh khám xét đối với bà Mai Thị Hoa (SN 1974, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh) về tội trốn thuế.
Cũng trong tháng 9 này (cụ thể là vào ngày 1/9), Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) cũng cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và các đơn vị có liên quan.
Kết quả điều tra ban đầu xác định một số cá nhân tại Công ty BMS và Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS) có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh.
Kể từ sau vụ ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội bị bắt hồi tháng 4, những vụ việc liên quan đến “nâng khống”, “thổi giá” - mà nói thẳng ra là tham nhũng trong lĩnh vực mua sắm trang thiết bị y tế trở nên “nóng” hơn, được công chúng quan tâm nhiều hơn.
Cũng dễ hiểu, tham nhũng trong lúc bình thường đã là điều không thể chấp nhận thì thông tin tham nhũng tiêu cực trong lĩnh vực y tế và tham nhũng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành lại càng đáng lên án.
Điều đó chẳng khác gì là ăn chia, trục lợi trên tính mạng của bệnh nhân và sức khoẻ của cộng đồng!
Nếu như vụ việc “nâng khống” ở Hà Tĩnh diễn ra từ hai năm trước, thì vụ ở CDC Hà Nội và BMS lại tác oai tác quái ngay trong lúc đại dịch Covid-19 đe doạ sức khoẻ, tính mạng của cả cộng đồng. Mới thấy rằng, những kẻ “ký sinh” trên người bệnh, lợi dụng bệnh tật và virus để kiếm lời vẫn luôn tồn tại và trực chờ để “hút máu” bệnh nhân bất cứ lúc nào.
Họ “ăn” từ thiết bị xét nghiệm, “ăn” đến chiếc máy giặt, máy sấy… và không chừng còn có những kẻ “ăn” đến bát cháo, viên thuốc, đến cả cuộn giấy vệ sinh trong bệnh viện. Than ôi, những kẻ “ký sinh” trên người bệnh, nghĩ đến lại rùng mình.
Rồi người ta lại nhận ra rằng, đằng sau những công ty cung cấp hoá ra là cả một nhóm lợi ích hùng hậu!
Đành rằng, theo quy luật cung - cầu, các mặt hàng và trang thiết bị y tế vào những lúc cấp bách khó tránh khỏi bị “sốt” giá, nhưng với chênh lệch giá quá lớn trong các hợp đồng, người ta tự hỏi, không biết lương tâm của những người liên quan để ở đâu?
Bởi xin thưa rằng, khi đội giá thiết bị lên, thiệt hại trước hết ở ngân sách nhà nước và sau đó là túi tiền của bệnh nhân, những người đang mòn mỏi chống chọi từng ngày để cứu lấy sinh mạng mình.
Họ không những phải chiến đấu với bệnh tật, với vi rút mà còn bị bào bòn tài chính bằng những con vi rút tham nhũng dưới hình dạng con người.
Xót xa mà phẫn nộ thay!
Rồi mới đây, kết luận thanh tra lại phanh phui thêm những chuyện khó tin khác trong gói thầu thiết bị y tế chống dịch ở Thái Bình: Biên bản nghiệm thu, bàn giao máy điện tim xuất xứ Nhật Bản nhưng thực tế là Trung Quốc; nhà thầu kê khai thông tin không có thực; một số chứng từ kèm theo tờ khai hải quan có dấu hiệu tẩy xoá…
Cứ như một vở hài kịch diễn trên sân khấu bi kịch vậy!
Mừng thay là trước thực trạng đó, Bộ Y tế mới đây khai trương Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế nhằm làm lành mạnh hóa thị trường trang thiết bị y tế tại Việt Nam.
Chỉ hi vọng sao các quy định chẳng những phòng người ngay mà còn tránh được kẻ gian. Vì khi tham nhũng xảy ra, một bàn tay không bao giờ vỗ nên tiếng, mà “hệ thống” thì lại hoạt động rất tinh vi.