Hết Tết chưa hết “kỳ nghỉ xuân”

(Dân trí) - Dù kỳ nghỉ Tết đã qua nhưng dường như rất nhiều người vẫn đứng ngoài guồng quay công việc. Mặc kệ chỉ tiêu, kế hoạch năm, mặc kệ những cơ hội kinh doanh mới… Ở ta, có một kỳ nghỉ dài không được “đánh dấu” trong cuốn lịch, đó là “kỳ nghỉ xuân”.

Hết Tết chưa hết “kỳ nghỉ xuân” - 1

Bằng chứng là dù không phải dịp cuối tuần, nhưng những ngày vừa qua, trùng vào dịp Rằm Tháng giêng, các đình chùa miếu mạo trên khắp cả nước đều nô nức khách thập phương lui về, nhất là những địa điểm có tiếng linh thiêng.

Mới đây, Kho bạc Nhà nước vừa đình chỉ 7 cán bộ đi lễ chùa. Ấy là ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cấm tình trạng đi chùa, lễ hội vào giờ hành chính, nhưng vẫn có người dám trái lệnh, “tham nhũng” thời gian của Nhà nước để du xuân.

Không ai nói lễ chùa là không nên. Cũng chẳng luật nào cấm đi đây đi đó, góp doanh thu cho ngành du lịch cả. Thế nhưng tranh thủ giờ hành chính, bỏ bê công việc, phớt lờ nhiệm vụ mà đi chơi lại là chuyện khác.

Trên tivi, đài báo, choán trang nhất là hình ảnh những biển người chen chúc, xô đẩy nhau, tay lăm lăm tờ tiền để dâng lễ, xin lộc, cầu tài, cầu duyên... Chỉ riêng sự kiện Khai ấn đền Trần, dù không còn những chuyện ồn ào, phản cảm như nhiều năm trước, song vẫn còn đó là cảnh ùa vào đền “xin lộc”, vẫn còn đó cảnh du khách bất chấp trời mưa “màn trời chiếu đất” nằm la liệt trước giờ phát ấn… 2.000 cán bộ, chiến sĩ lập 5 vòng an ninh bảo vệ sự kiện này là một con số đáng suy ngẫm.

Xin không bàn về tín ngưỡng. Nhưng trộm nghĩ, nếu sính lễ, tiền bạc mà “xin” được thăng quan, tiến chức… thì người ta có cần phải nỗ lực làm việc để đạt được thành quả hay không? Có cần phải chứng minh năng lực với cấp trên hay có cần làm hài lòng dân chúng?

Nếu ai cũng có thể “hối lộ”, “lấy lòng” được thần linh thì e rằng, những kẻ nào dám “bình chân như vại” miệt mài cày cuốc ngoài đồng, bán sức nơi công sở chẳng bao giờ mà mơ đến một ngày mai xán lạn (!).

Và, thật đáng ngại biết bao nếu như cán bộ nào ăn lương Nhà nước, sống bằng tiền thuế nhân dân cũng có tư tưởng làm hài lòng thần linh mà quanh năm “hành nghề” khấn vái! Họ quên mất ai là người nuôi họ, họ quên mất ai là người mà họ phải “lấy lòng”.

Một khi cán bộ Nhà nước vẫn còn như vậy, thì cũng chẳng thắc mắc vì sao còn một bộ phận bà con tin đến lú lẫn, tin đến u mê, lập đàn thắp hương cầu khấn phong một con rắn làm thần!

Thật chẳng biết, sau “kỳ nghỉ xuân” kéo dài hàng tháng trời, sau khi đã đi hết nam, hết bắc cầu tiền tài, danh lợi… có ai thực sự “phất” lên được hay không? Nhưng đã có nhiều “siêu dự án” nghìn tỷ đồng trong nền thương mại tâm linh đang khởi động và được đệ trình.

Bích Diệp