"Hét" lương 20 triệu - khát vọng cống hiến hay ảo tưởng bản thân?
(Dân trí) - Thu nhập đủ để đảm bảo cuộc sống là cái đích của người lao động hướng đến. Nhưng mức thu nhập luôn phải tương xứng với chất xám, công sức và giá trị mà người lao động mang lại cho doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát vừa được một đơn vị nghiên cứu thị trường lao động công bố cho thấy, cơ hội việc làm trong bối cảnh dịch Covid-19 trở nên khó khăn hơn đối với các tân cử nhân.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn nhưng mức lương mà các tân cử nhân mong muốn lại khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Hầu hết sinh viên mới tốt nghiệp (hơn 43%) mong đợi mức lương từ 10-15 triệu đồng, 6,6% sinh viên đề nghị mức lương từ 15-20 triệu đồng, 9% sinh viên đề nghị mức lương hơn 20 triệu đồng. Chỉ khoảng 31% người mới ra trường được khảo sát chấp nhận mức lương từ 6-10 triệu đồng.
Thế nhưng, thực tế mức thu nhập doanh nghiệp trả không thể như họ kỳ vọng. Một lực lượng không nhỏ tân cử nhân thất nghiệp, làm việc trái chuyên ngành được đào tạo, chấp nhận công việc bán thời gian với mức lương mang tính hỗ trợ, không được đóng bảo hiểm... để rồi than thở "không bằng lương công nhân".
Điều dễ nhận thấy là một công nhân để đạt được mức thu nhập 7-8 triệu đồng, thậm chí hơn 10 triệu đồng/tháng phải trải qua quá trình làm việc lâu dài và chấp nhận tăng ca, hoàn toàn không phải là mức thu nhập khởi đầu như những sinh viên mới ra trường mong đợi. Có thể họ không có trình độ, nhưng bù lại có thái độ làm việc nghiêm túc, quan trọng họ ý thức đi lên từ từ bằng việc chấp nhận thực tế và tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm... Điều này, không phải người trẻ và có trình độ nào cũng có được.
Có trình độ nhưng thiếu kỹ năng mềm, thiếu kinh nghiệm, ảo tưởng giá trị bản thân và đòi hỏi là "căn bệnh" mà nhiều cử nhân mới ra trường mắc phải.
Người viết đã từng hỏi một sinh viên ngành báo chí về cơ quan thông tấn mà bạn đang thực tập và không thể tin được trước câu trả lời hồn nhiên "chưa từng đọc bài viết nào trên báo". Suốt 3 năm đại học, bạn vẫn mơ hồ về chính công việc của mình, về con đường nghề nghiệp mà mình lựa chọn.
Thứ duy nhất khiến bạn lựa chọn ngành báo chí là "nghe có vẻ oai và dễ kiếm tiền". Và rồi, kết thúc kỳ thực tập, bạn thất vọng với số nhuận bút được thanh toán (dù rằng đây là mức chấm nhuận bút chung cho tất cả phóng viên của tờ báo nọ), hoàn toàn không quan tâm đã tích lũy được gì, đã học được gì, sản phẩm khi đăng tải trên báo đã được biên tập, sửa chữa như thế nào so với bài viết bạn đã nộp trước đó.
Tôi kể câu chuyện này bởi lẽ, trong thực tế, điểm số và một tấm bằng đẹp vẫn là ưu tiên số một của không ít sinh viên mà quên mất rằng, trong 4 năm đại học, họ cần phải rèn luyện thêm nhiều kỹ năng mềm, về ngoại ngữ và cả kinh nghiệm bằng những công việc làm thêm...
Khi "ra đời", nếu như chỉ trông vào mỗi tấm bằng đại học là chưa đủ và càng không thể đưa lại một mức thu nhập "đáng mơ ước" cho người trẻ!.
Tân cử nhân không thể đáp ứng yêu cầu "có kinh nghiệm" của nhà tuyển dụng, bởi vậy, cũng không thể đòi hỏi mức lương 15-20 triệu đồng ngay từ khi bắt đầu. Doanh nghiệp luôn "khát" nhân lực giỏi và đương nhiên, họ sẵn sàng "móc hầu bao" để trả lương và các chế độ phúc lợi cho nhân sự trẻ, có năng lực, có trình độ, chấp nhận thử thách và sẵn sàng cống hiến.
Một tấm bằng đại học không phải là quá khó khi nhiều trường đại học tuyển sinh bằng điểm sàn. Nhưng nếu học đại học để rồi chấp nhận làm trái ngành hay công việc có thu nhập chỉ bằng 1/3 lương công nhân, thì người viết cho rằng, việc định hướng cho các em về chọn ngành, chọn nghề, chọn trường là điều hết sức quan trọng.
Mức thu nhập đủ đảm bảo cuộc sống là cái đích mà người lao động hướng tới. Đối với người mới ra trường, bên cạnh mức lương (có thể cải thiện qua từng năm), cơ hội việc làm còn là nơi để tích lũy kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, kinh nghiệm thực tiễn....
Vì vậy, đừng so sánh mức lương, hãy so sánh những giá trị bạn mang lại cho doanh nghiệp để xứng đáng với mức lương mong muốn.