Hết "bún mắng, cháo chửi" lại đến… "dạy chửi"!

(Dân trí) - Câu chuyện nóng nhất trong ngày 5.5 là video clip của một học viên tại một trung tâm dạy tiếng Anh tại Hà Nội post trên mạng về một nữ giáo viên đã dùng những lời lẽ rất thô tục để nói với một học viên khác trong lớp học.

Hết "bún mắng, cháo chửi" lại đến… "dạy chửi"! - 1

Trong đoạn video clip nói trên, cô giáo dạy tiếng Anh đó đã xưng hô "mày", "tao" và hàng loạt từ ngữ tục tĩu, phản cảm khác với một học viên khi anh này phản ứng về việc bị phạt 100 ngàn đồng và bị cô giáo dùng các ngôn từ không chuẩn mực với mình.

Xin trích một câu “nhẹ” nhất của cô giáo này: “Ra ngoài kia, có một hay mười trung tâm cũng không thể dạy lợn thành người được”.

Ngay trong buổi tối video clip đó được đưa lên mạng xã hội, rất nhanh chóng, đã có hàng chục ngàn lượt share (chia sẻ) và comment (ý kiến) phê phán giảng viên này. Tất nhiên, người ta cũng thấy, học viên đó cũng đã phạm quy và "không phải tay vừa".

Quy định phạt có dấu hiệu thái quá của trung tâm này: Bất kỳ lỗi nào của học viên cũng bị phạt 100 ngàn đồng trở lên có lẽ là một nguyên nhân gây nên xung đột giữa giáo viên và học viên tại đây.

Nhưng dù sao, với cách giảng dạy, nói năng như trên của một giảng viên rõ ràng là không thể chấp nhận được vì nó không phù hợp với văn hóa ứng xử bình thường chứ chưa nói về chuẩn mực, văn hóa của một giáo viên trên lớp học. Dù học viên kia có vi phạm (lỗi vi phạm ở đây cũng không phải nặng) thì thái độ của cô giáo này vẫn không thể chấp nhận được.

Với cách nói năng như vậy, hậu quả là học viên phản ứng, các học viên khác cũng phản ứng ngấm ngầm bằng cách ghi lại clip và tung lên mạng xã hội đủ cho thấy giảng viên này không ý thức được hậu quả cách ứng xử của mình với học viên tại trung tâm.

Điều đáng nói là đây là một trung tâm dạy tiếng Anh, như tên gọi của nó là dành cho người đã đi làm, học viên là nhiều người đã trưởng thành, có văn hóa thì một giảng viên có cách nói năng, ứng xử như vậy chắc chắn sẽ khiến trung tâm này "mất khách" nhanh chóng.

Đây là một cơ sở giảng dạy tiếng Anh của tư nhân cho nên, ngành giáo dục sẽ khó có thể can thiệp về xử lý với giáo viên giống như các cơ sở giáo dục công lập. Nhưng với giáo viên như trên, cơ sở này sẽ nhanh chóng nhận được những hình phạt của thị trường. Và rất có thể, cơ quan quản lý sẽ phải làm việc với ban giám đốc trung tâm về giấy phép, tiêu chuẩn giáo viên ở đây.

Và quả thật, qua kết quả kiểm tra ban đầu của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội, cả 3 cơ sở đào tạo của trung tâm này hóa ra đều chưa được cấp phép về giảng dạy ngoại ngữ theo quy định.

Như vậy, cơ sở này sẽ nhanh chóng gánh chịu hậu quả. Không chỉ sẽ bị phạt và có thể bị đình chỉ hoạt động từ cơ quan quản lý. Nhiều người đã tuyên bố không tiếp tục học tại trung tâm này sau khi video clip trên được tung lên mạng. Tất nhiên, những người chưa từng học mà có ý định học tại đây, sau khi biết chuyện sẽ rất cân nhắc khi đến nơi này rồi.

Ấy thế nhưng, cô giáo nói trên dường như cũng chưa nhận thức đúng cái sai của mình mặc dù có nhận là đã nói năng, dùng ngôn ngữ "không phù hợp". Trong ngày hôm qua (6.5), khi trả lời một số tờ báo, cô này còn nói, việc kỷ luật, nói năng với học viên như trên là một phương pháp giáo dục "nghiêm khắc" của trung tâm mà nếu nói năng nhẹ nhàng với học viên thì họ "bổ guốc vào đầu mình ngay".

Cô này đã không hiểu rằng, dạy học không chỉ dạy chữ. Cơ sở giáo dục dù tư nhân hay nhà nước là cơ sở văn hóa và phải có quy tắc ứng xử văn hóa, có môi trường văn hóa và đó là điều bắt buộc, chứ không phải là nơi có thể hành xử, nói năng bậy bạ, vô văn hóa như cô thể hiện.

Cách đây 2 năm, ở một trung tâm dạy tiếng Anh khác, cũng đã từng có một cô giáo lớn tiếng tranh cãi và dùng những ngôn từ thô tục để nói với một học viên và tự nhận mình là cô giáo "cung bọ cạp".

Ngay sau video clip về những hành động, lời nói rất hung hăng của cô giáo đó được tung lên, mạng xã hội, báo chí cũng đã lên tiếng mạnh mẽ buộc trung tâm phải sa thải giáo viên này. Nhưng đáng tiếc, cho đến nay vẫn có giảng viên khác mắc lỗi y hệt cô giáo trên, với mức độ nặng nề hơn.

Về phía học viên thì rõ ràng, cách ứng xử của học sinh nói trên cũng khó được chấp nhận. Nhưng có vẻ như, việc im lặng, ngồi nghe rồi quay video clip lên mạng của các học viên khác tuy không có gì là sai nhưng có lẽ họ không nên dừng ở mức đó.

Với những giảng viên như vậy, học viên cũng cần có thái độ, tiếng nói phản đối một cách có văn hóa để bảo vệ môi trường học tập của mình. Nhất là ở một cơ sở học tập có tính tự nguyện.

Một số người cho biết, ở một số trung tâm dạy ngoại ngữ, khi giảng viên có cử chỉ, lời nói không đúng mực như ném phấn vào học viên, dùng từ ngữ thô tục... thì đã có những học viên phản ứng bằng cách đứng dậy góp ý thẳng thẳn, hoặc tạm ngừng việc học để phản đối. Đây có lẽ là cách thức phản đối hợp lý và chủ động để buộc các giảng viên phải có lề lối giảng dạy chuẩn mực hơn với học sinh của mình.

Mạnh Quân