Hãy gạt ra những ai không đủ năng lực và dũng khí, thưa Thủ tướng!
(Dân trí) - Hãy dũng cảm gạt những ai không đủ năng lực, quyết tâm và dũng khí ra khỏi bộ máy. Quyết không để xuất hiện hiện tượng (nếu có) một tư lệnh ngành nào đó “có cũng được mà không cũng được” như lời Thủ tướng từng nói về đội ngũ công chức năm nào, phải không các bạn?
Thông tin mới nhất từ phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ cho biết, GDP 9 tháng tăng 6,98%, mức tăng cao nhất của 9 tháng trong vòng 7 năm qua (kể từ năm 2011). Trong đó, cả 3 khu vực Nông nghiệp, Công nghiệp và Xây dựng, Dịch vụ đều tăng cao.
Về kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,9%. Tổng cầu tăng mạnh.
Việt Nam dẫn đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp, với 92% người được hỏi sẽ cân nhắc khởi nghiệp; 88% sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại khi khởi nghiệp so trung bình thế giới ở mức 47%...
Đây là những con số rất đáng phấn khởi và nếu với cái đà hiện nay, mục tiêu tăng trưởng cả năm 2018 sẽ vượt mức 6,7%.
Nhớ lại đầu năm 2018, người viết bài này đã phỏng vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vì sao Quốc hội lại ra Nghị quyết ấn định mức tăng trưởng GDP năm 2018 từ 6,5-6,7%, một chỉ số “lùi” so với năm 2017 mà không phải là giữ nguyên hay cao hơn?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói: “Tôi cho rằng với mục tiêu tăng trưởng của năm 2018 khoảng 6,7% là khả thi và phù hợp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương đã nhận thức đúng và đầy đủ những khó khăn, thách thức để đề ra những giải pháp thực hiện tạo ra những động lực tăng trưởng mới ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018”.
Giờ đây, chỉ tiêu 6,7% đang bên “bờ vực phá sản” đầy phấn khởi.
Song, nhìn nhận một cách công bằng, nếu ở lĩnh vực kinh tế, chúng ta đã có những tiến bộ vượt bậc thì ở một số lĩnh vực khác, sự phát triển chưa được như mong đợi.
Các ngành thuộc khối văn xã như Giáo dục & Đào tạo, Y tế, Văn hóa… đặc biệt là GD&ĐT còn nhiều trì trệ.
Gần hết nửa nhiệm kỳ đã trôi qua, song ngành giáo dục vẫn chưa hết loay hoay với độc quyền sách giáo khoa, với phương thức thi cử, “thu giá” hay “thu phí”...
Tóm lại, người dân chưa nhìn thấy chưa cảm thấy có một chuyển động đáng kể nào từ ngành này và vẫn mong đợi “ánh sáng” trong “con đường” giáo dục.
Trong khi để có được một triệu USD xuất khẩu, chúng ta phải tốn không biết bao nhiêu mồ hôi hoặc tài nguyên, khoáng sản thì chỉ với 3 sinh viên du học tại Anh, Mỹ hoặc 5 bệnh nhân đi nước ngoài chữa bệnh là khoảng 01 triệu USD cũng đội nón đi theo.
Theo quan sát của người viết bài này, hai ngành cần phải có sự thay đổi quyết liệt ngay lập tức, đó là giao thông và giáo dục.
Nếu không có những biện pháp mạnh mẽ, e rằng chỉ khoảng 2 năm nữa thôi, giao thông – huyết mạch quốc gia sẽ đứng trước nguy cơ tê liệt và lúc đó, sẽ tác động rất xấu đến phát triển kinh tế cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống nhân dân.
Đối với giáo dục, hậu quả có thể muộn hơn nhưng không có tri thức thì xin nói thẳng, cuộc cách mạng 4.0 không thể thành công và khi đó, chúng ta sẽ tụt hậu. Và không chỉ thế, nhân tài cùng với khối lượng USD không lồ sẽ âm ỉ “đội nón” ra đi.
Để sự phát triển đồng đều và vững chắc, niềm vui được trọn vẹn, mong rằng các bộ, ngành chưa thật sự có chuyển biến mạnh cần nỗ lực hơn nữa và cũng mong Thủ tướng có những biện pháp quyết liệt hơn nữa để tạo nên sự phát triển đồng đều.
Hãy dũng cảm gạt ra những ai không đủ năng lực, quyết tâm và dũng khí khỏi bộ máy để đất nước đi lên một cách mạnh mẽ và vững chắc.
Quyết không để xuất hiện hiện tượng (nếu có) một tư lệnh ngành nào đó “có cũng được mà không cũng được” như lời Thủ tướng từng nói về đội ngũ công chức năm nào, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám