Hãy để dân "nghiệm thu" chất lượng kỷ luật cán bộ

(Dân trí) - Hà Nội kỷ luật 526 cán bộ, công chức. Đó là thông tin do Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng đưa ra tại Hội nghị tổng kết chương trình 08 của Thành ủy về “Đẩy mạnh cải cách hành chính nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011-2015” diễn ra ngày 9.6.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Trong 4 năm, có 526 người bị kỷ luật, trung bình mỗi năm có khoảng 140 người bị kỷ luật. Nhưng nếu cho biết cụ thể hình thức kỷ luật của từng người trong số này thì người dân thoả mãn hơn, tính thuyết phục cao hơn. Bởi vì, kỷ luật cũng có nhiều mức độ, có nặng có nhẹ, có thể bị đuổi việc, bị cách chức và cũng có thể phê bình là xong. Vấn đề không phải là số lượng, mà là chất lượng của kỷ luật.

Kỷ luật cả ngàn người nhưng những người đó vẫn tại chức, thậm chí sau đó lên chức. Chuyển công tác mà vị trí mới cũng như vị trí cũ, hoặc vị trí "tốt" hơn thì cũng không cần kỷ luật làm gì cho phí thời gian. Hy vọng là trong số cán bộ, công chức bị kỷ luật mà Sở Nội vụ Hà Nội đưa ra là xác đáng, công bằng.

Người dân không mong cán bộ bị kỷ luật mà chỉ mong cán bộ được khen thưởng. Cán bộ được khen thưởng càng nhiều chứng tỏ chất lượng hành chính càng cao. Cán bộ lập được nhiều thành tích, tạo ra nhiều sản phẩm hành chính chất lượng cao, người dân đượcthụ hưởng những sản phẩm đó. Chỉ có điều, cũng như kỷ luật, khen thưởng phải xác đáng, công bằng, công tâm.

Trên thực tế, không thiếu những trường hợp được khen thưởng rất nhiều, có người giấy khen, bằng khen… treo đầy cơ quan, nhưng không có sản phẩm hành chính có giá trị. Giá trị đó không phải cảm tính, tự khen nhau, mà phải đo được, định lượng được. Người dân không hài lòng nếu như kỷ luật không tương xứng, và cũng không ủng hộ khen thưởng hình thức.

Làm sao để dân có thể tham gia "thẩm định" và "nghiệm thu" kết quả kỷ luật cũng như khen thưởng? Chỉ có cách duy nhất là công khai, minh bạch. Xã hội dân chủ Việt Nam có khẩu hiệu "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra", vậy thì hãy công khai danh sách cán bộ, công chức bị kỷ luật, hình thức kỷ luật để dân biết, dân kiểm tra. Có như vậy mới loại trừ các mối hoài nghi về chất lượng của quyết định kỷ luật. Số lượng chẳng quan trọng, dân không quan tâm những con số mà mình không kiểm tra được.

Công khai danh sách cán bộ, công chức kỷ luật cũng là biện pháp ngăn chặn sai phạm. Ai cũng trọng danh dự, làm cán bộ mà để bị kỷ luật, bị nêu tên trước dân chúng thì rất xấu hổ. Biết được xấu hổ để tránh sai phạm cũng là điều rất tích cực.

Tại sao khen thưởng thì công khai, báo đài đưa tin tên tuổi, hình ảnh, còn kỷ luật thì thầm kín?

Lê Chân Nhân


BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!