"Hành là chính"

Bích Diệp

(Dân trí) - Chẳng phải đến thời kỳ sốt đất mới thế, vấn đề muôn thuở là "sốt giấy tờ", cơn ác mộng kéo dài hàng chục năm qua. Chẳng thế mà dân gian vẫn có câu truyền miệng: "Hành chính - hay hành là chính!".

Hai năm trước, gia đình tôi có một số khúc mắc trong giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mất hàng tuần ròng rã đi qua đi lại từ chi cục thuế sang bộ phận một cửa, rồi lại tới văn phòng đăng ký đất đai… Cuối cùng, "mê hồn trận" giấy tờ đã khiến tôi phải bỏ cuộc vì chẳng hiểu sao, lần nào cũng thiếu một thủ tục nào đó. Một cán bộ ở Sở Tài nguyên và Môi trường dịp đó còn cảm thán với tôi thế này: "Đến như tớ làm sổ đỏ cũng phải nhờ anh em thông thạo, chứ thủ tục giấy tờ ai chẳng ngại".

Chị bạn tôi ở Tây Ninh thì khác, chị rất kiên trì trong việc khiếu nại, đối thoại với cơ quan chức năng địa phương để giải quyết vấn đề. Vậy nhưng cho đến nay, dự án farmstay mà chị triển khai cả năm nay vẫn mắc kẹt chỉ vì không xác định được ranh giới giữa đất và kênh tiêu để xây hàng rào.

Cho nên đối với tôi, cứ nhắc đến thủ tục đất đai là hoa mắt chóng mặt, thực sự ngán ngẩm.

Hành là chính - 1

Người dân chen lấn làm thủ tục đất đai "náo loạn" cả khu hành chính công (Ảnh cắt từ clip: A.X).

Bẵng đi vài năm, vừa rồi xem clip lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh hàng chục người tranh nhau lấy số thứ tự tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ nhà đất trên địa bàn huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương), tôi "đứng hình" mất mấy giây. Không phải trầm trồ liệu có phải đất ở khu vực đó "nóng sốt" quá hay không, mà bởi những ký ức đầy ám ảnh năm xưa lại ùa về. Vẫn là hàng dài người vạ vật ngồi đợi, mà chưa chắc một lần đã có thể giải quyết xong. Tôi mới nhận ra, chẳng phải đến thời kỳ sốt đất mới thế, vấn đề muôn thuở là "sốt giấy tờ", cơn ác mộng kéo dài hàng chục năm qua. Chẳng thế mà dân gian vẫn có câu truyền miệng: "Hành chính - hay hành là chính!".

Một giải pháp đơn giản mà chính quyền địa phương có thể áp dụng, đó là để người dân đăng ký trực tuyến và thông báo thời gian trả kết quả qua điện thoại hoặc email. Nhưng đáng tiếc là cách thức này đã không được thực hiện.

"Chính phủ điện tử" đã được triển khai nhiều năm qua. Ở cấp Trung ương, các cơ quan đang nỗ lực cải cách liên tục. Năm 2020, sau hơn một năm triển khai, Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp hơn 2.900 thủ tục hành chính của 21 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố. Hơn 57 triệu hồ sơ đã được xử lý, giúp tiết kiệm ngân sách khoảng 8.000 tỷ đồng mỗi năm. Mới đây Bộ Tư pháp cho hay đang tái cấu trúc quy trình đăng ký dịch vụ công trực tuyến, bao gồm khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử, hoàn thành ngay trong tháng 3 này. Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng tới năm 2030 đã được Thủ tướng ký ban hành.

Trong khi đó, ở cấp cơ sở, nhiều nơi lại thờ ơ với "chuyển đổi số" và với cải cách thủ tục hành chính. Nói đâu xa, từ chuyện khai báo ở sân bay gây ùn tắc mùa cao điểm dịch bệnh; rồi ngay giữa Thủ đô vẫn có chuyện F0 rồng rắn kéo nhau đi khai báo làm thủ tục xác nhận… Thời đại mà internet đã phổ cập và những người có thu nhập thấp cũng đã có thể sử dụng smartphone, thì việc yêu cầu hồ sơ giấy tờ trực tiếp trong những trường hợp cụ thể này trở nên trái khoáy, nhiêu khê. Lắm lúc tôi phải đặt câu hỏi: Vì sao cán bộ cấp cơ sở lại cứ thích phải "ôm rơm nặng bụng" như vậy?!

Ngày nay chúng ta có thể đặt hàng, mua sắm, thanh toán hóa đơn, ký hợp đồng bằng chữ ký số… Mọi giao dịch đều dễ dàng, nhanh chóng chỉ bằng vài thao tác trên điện thoại hay máy tính. Đó là dịch vụ thị trường, còn dịch vụ công thì ở nhiều nơi người dân nghĩ đến không tránh khỏi tiếng thở dài.

Để chống tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trong cải cách thủ tục hành chính và triển khai chính quyền điện tử, các cơ quan quản lý cần xem đây là một trong những thước đo hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức cũng như mỗi cán bộ, công chức.

Lợi ích không chỉ dừng lại trên những con số. Một khi các thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến, các dữ liệu được chuyển đổi số thì sẽ giảm đáng kể cả tham nhũng vặt và tham nhũng lớn, việc theo dõi dòng tiền hay công khai tài sản… cũng không còn là một mục tiêu quá xa vời!