Hai vụ trộm, cướp và câu chuyện về lòng bao dung
(Dân trí) - 3 ngày trước, một câu chuyện được lan truyền nhanh trên mạng là việc một chủ tiệm bán chè tên là Nguyễn Văn Việt ở Trảng Bom, Đồng Nai bắt được một người ăn trộm. Kẻ trộm chỉ là một cậu bé mới hơn 10 tuổi, đã nhiều lần lục lọi, ăn trộm đồ nhà anh Việt.
Tuy nhiên, người chủ nhà này, khi thấy kẻ khoắng đồ nhà mình còn nhỏ dại, lại trong tình trạng đói lả, liên tục kêu xin đã động lòng thương, lấy thức ăn cho ăn no rồi mới giao lại cho công an.
Nhiều người cho rằng, anh Việt rất nhân hậu nhưng đã “tốt không trót” khi giao lại cho công an, nhưng anh này có lý riêng của mình: Số đồ bị lấy cắp rất ít, không phải xử lý hình sự (chủ yếu là chè, bim bim, thạch rau câu) mà anh không biết nhà cậu bé đó đâu, thả ra đường thì không tốt nên mới báo công an xử lý.
Câu chuyện trên được nhiều người chú ý bởi lâu lắm rồi, trên mạng xã hội, người ta ít nghe thấy những câu chuyện tương tự, thể hiện lòng bao dung, sự nhân hậu - điều mà nhiều người chúng ta vẫn tưởng có nhiều. Thường trên báo chí, mạng xã hội đầy rẫy những chuyện trộm chó bị đánh chết, rồi có những người ăn trộm sách, ăn trộm vịt… thì ngoài bị đánh “hội đồng”, còn bị hành hạ, làm nhục bằng cách bắt ngậm vịt, treo sách lên cổ kèm thêm tấm biển: “Tôi là kẻ trộm”!
Cách đây mấy hôm, một chuyện đáng suy nghĩ khác được nhiều tờ báo đăng tải: Vào ngày hôm nay (17/5/2016), Tòa án nhân dân quận Thủ Đức (TP HCM) sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm với 2 bị cáo Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân (cùng 18 tuổi, ngụ TP HCM) phạm tội cướp tài sản.
Hai thành niên này đã bị buộc tội trên khi trên đường đi xin việc làm, vì quá đói, đã vào một tiệm tạp hóa cướp bánh mì và một số đồ ăn vặt bị bắt, Viện kiểm sát nhân dân quận Thủ Đức đã truy tố 2 người này vào tội cướp tài sản theo Khoản 2, Điều 136 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 3 - 10 năm tù.
Ở 2 câu chuyện trên, cách xử lý rất nhau không khỏi khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Năm 2014, Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng, Hải Phòng cũng đã tuyên án tù với 4 học sinh (vị thành niên) từ 18 - 32 tháng tù chỉ vì “cướp” mũ của bạn (các luật sư đã chứng minh không phải cướp giật mà chỉ để đùa vui). Bản án đã lấy đi tương lai tươi sáng của 4 học sinh và một chút niềm tin còn lại của nhiều người vào công lý.
Đôi khi, người ta tưởng cứ dùng hình phạt nặng là giải quyết được vấn đề. Nhưng không hẳn. Nhiều khi lòng tốt, sự bao dung chính là điều cảm hóa được con người, thực hiện được những điều mà luật pháp không làm được.
Tất nhiên, luật pháp cần và nhiều khi rất cần mạnh mẽ, nghiêm minh để xử lý những hành vi vi phạm luật pháp trắng trợn, nghiêm trọng, gây hại cho nhà nước, cho xã hội. Nhưng nếu có những việc mà hậu quả rất nhỏ, không gây hại đến xã hội, chỉ vì qui định của luật pháp chưa phù hợp thì nhà chức trách, luật pháp cũng cần phải có sự bao dung, khoan hồng để người có hành vi vi phạm đó có cơ hội sửa chữa sai lầm. Một sự tâm phục từ nơi người được khoan dung sẽ không hề làm cho luật pháp mất đi sự uy nghiêm.
Và bản thân trong mỗi chúng ta cũng thế. Sự khoan dung, độ lượng với người khác bao giờ cũng là nền tảng cho đạo đức xã hội, là đức tin vào điều tốt đẹp của con người với con người. Ngay trên mạng xã hội thôi, có những chuyện khi chưa rõ đầu đuôi, khi chưa thấu hết cái tình, cái lý trong câu chuyện mà chúng ta vội vàng kết án, phán xét bằng những từ ngữ nặng nề thì đôi khi, cũng gây nên những chuyện oan uổng mà người bị “kết án” nhiều khi không có cách nào giải thích được. Mà câu chuyện Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương, nổi tiếng với vai diễn “Em bé Hà Nội” là một ví dụ mới nhất.
“Mọi sự so sánh đều khập khiễng” và ý kiến dưới đây không có nghĩa là cổ vũ cho cái ác, cái xấu nhưng nếu chỉ vì quá đói, lỡ cướp mấy ổ bánh mỳ (như nhân vật Giăng Van Giăng trong tác phẩm Những người khốn khổ) phải chịu hình phạt từ 3 đến 10 năm tù trong khi không ít kẻ tham nhũng làm thất thoát những khoản tiền lớn lại chỉ bị án treo, liệu có công bằng, thỏa đáng không các bạn?
Mạnh Quân