Hai nhà khoa học tuổi Ất Hợi với năm Mậu Tuất đầy… “đen đủi”!
(Dân trí) - Thời gian qua, hai nhà khoa học U90 bị “ném đá” một cách “không thương tiếc” bởi cùng một lý do, muốn góp phần thay đổi nền giáo dục nước nhà. Đó là PGS Bùi Hiền và GS. TSKH Hồ Ngọc Đại. Cả hai vị đều sinh năm 1935, cùng tuổi Ất Hợi…
PGS Bùi Hiền vốn là một sinh viên xuất sắc, từng được đào tạo rất bài bản tại “lò” Lomonoxop, được nhiều bạn bè và đồng nghiệp nể trọng.
Gần đây, ông cụ bỗng “nổi hứng”, bỏ công sức và tiền bạc để nghiên cứu sửa chữ quốc ngữ. Và thế là một cơn “mưa đá” trút xuống với đủ các ngôn từ bất nhã, thậm chí là thất lễ đối với một người lớn tuổi. Có ý kiến còn “chụp” lên đầu vị PGS già tội… phản quốc!
Về GS Hồ Ngọc Đại, chuyện có phức tạp hơn. Cách đây 40 năm (1978 - 1979), TS Hồ Ngọc Đại sau khi tốt nghiệp xuất sắc tại Lomonoxop về nước đã ấp ủ làm một cuộc “cách mạng” giáo dục.
Theo GS Đại, chương trình giáo dục trước đó được làm trong thời chiến (tức là tình trạng bất thường của một xã hội), khi chỉ có vài chục % dân số biết chữ nên cần phải thay thế bằng một nguyên lý giáo dục thời bình, cho một quốc gia trên 90% biết chữ.
Ông Đại cho rằng những cuộc cải cách giáo dục trước đó (và cả hiện nay) chỉ là “cải tiến” dựa trên nguyên lý cũ. Nó giống như thay bếp củi bằng bếp ga, bếp điện, tức là vẫn dựa vào cách truyền nhiệt giữa hai vật.
Trong khi đó, yêu cầu của giáo dục là phải có một nguyên lý mới, khác hẳn cái cũ. Nó giống như thay bếp củi, bếp điện bằng bếp từ hay lò vi sóng.
Giờ đây, sau 40 năm “thực nghiệm”, Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại vẫn đang đứng trước một loạt câu hỏi cần được trả lời.
Đó là Công nghệ giáo dục đúng hay sai, tốt hay không? Nếu tốt, tại sao không triển khai đại trà, chính thống. Ngược lại, nếu không sao không bỏ?
Tại sao lại để kéo dài đến 40 năm "thực nghiệm"? Có công trình nào, nơi nào trên thế giới này mà việc “thực nghiệm” đến 40 năm?
Ai ủng hộ CNGD và ai phản đối? Vì sao ủng hộ, vì sao phản đối? Có ai đứng đằng sau vụ "mạt sát", “truy bức” CNGD như một số ý kiến hay không? Nếu có thì với động cơ gì?
Bộ GD&ĐT cho biết, năm học 2018 – 2019 vẫn tiếp tục triển khai tài liệu tiếng Việt 1– Công nghệ giáo dục ở những địa phương đang triển khai theo nguyên tắc tự nguyện nhưng không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Như vậy có thể hiểu, số phận Công nghệ giáo dục sẽ khép lại sau khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới và đồng nghĩa với sự thất bại của nó?
Lý giải điều này thế nào khi mà hiện nay, mỗi năm có khoảng 800 ngàn học sinh đang theo học chương trình CNGD và 40 năm qua, đã có bao nhiêu triệu học sinh được đào tạo từ lò này, trong đó có Nhà toán học nổi tiếng - GS Ngô Bảo Châu?
Lý giải thế nào khi cổng trường Thực nghiệm vẫn là niềm mơ ước của nhiều phụ huynh, đã từng một lần bị xô đổ vì chen nộp hồ sơ?
Đã có công trình nào tổng kết sự thành – bại của CNGD, đặc biệt là thống kê ý kiến của phụ huynh, học sinh (đã và đang theo học CNGD) và các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy theo chương trình này chưa?
Nếu Công nghệ giáo dục thất bại, ai phải chịu trách nhiệm về sự tồn tại dai dẳng tới 40 năm, với bao nhiêu thế hệ học trò?
Tuy thế, cũng xin lưu ý rằng CNGD đã ra đời cách đây 40 năm, trước Đổi mới (1986). Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, không ít những điều ngày đó nay đã lỗi thời, cần phải thay đổi.
Về quan điểm cá nhân, dù ý tưởng sửa chữ của PGS Bùi Hiền và CNGD của GS Hồ Ngọc Đại thành hay bại cũng không thể không ghi nhận tinh thần đam mê sáng tạo, một ý chí muốn thay đổi, nhất là khi tuổi cao, sức yếu.
Xin được chia sẻ với hai cụ Ất Hợi về một năm Mậu Tuất (2018) đầy “đen đủi” này và mong rằng các bạn của tôi dù đồng tình hay phản đối cũng nên chừng mực và nhân văn vì ít nhất, họ cũng là những người cao tuổi, phái không các bạn?
Bùi Hoàng Tám