Hai câu chuyện "ngược đời" ở miền quê nghèo khó!
(Dân trí) - Có hai câu chuyện "ngược đời" đều được đăng trên báo Dân trí, cùng trong một ngày 28/4 và ở cùng một địa phương, tỉnh Thanh Hóa. Câu chuyện thứ nhất kể về nỗi cực nhọc của những người nông dân xã nghèo Đông Nam (Đông Sơn - Thanh Hóa), nơi “Cả làng viết đơn xin… nhặt rác”.
Dưới những dòng tít bi hài trên, tác giả Nguyễn Thùy đã lột tả sự cực khổ của cái nghề khốn khó này. Xin đọc đoạn văn sau:
“Tại bãi rác Đông Nam, từ sáng tinh mơ đã có hơn chục người phụ nữ dáng mảnh khảnh, chân đi ủng, tay mang găng, mặt bịt kín chờ sẵn. Chỉ cần thấy bóng dáng chiếc xe chuyên chở rác đi vào bãi là ai nấy lao nhanh đến.
Và rồi, một cuộc cạnh tranh lặng lẽ nhưng không kém phần "khốc liệt" bắt đầu. Không ai nói chuyện với ai, mỗi người chọn một góc tranh thủ cần mẫn cào bới, thu nhặt thật nhanh những thứ gì có thể còn dùng hoặc bán được.
Sau giờ phút cật lực với đống rác, họ uể oải lê các bao tải đựng những gì đã thu nhặt được về các lán nhỏ, phân loại phế liệu rồi cân bán. Ngày nắng thì bụi bẩn và mùi nồng nực, ngày mưa còn kinh khủng hơn”. Dù lao động cật lực như thế nhưng mỗi ngày, họ chỉ kiếm được từ 150 – 200 ngàn đồng.
Song, đối với họ đấy cả là một may mắn và hạnh phúc vì có cơ hội kiếm thêm miếng cơm manh áo cho gia đình. Để được cấp thẻ vào bới rác, họ còn phải làm đơn qua các khâu xét duyệt, bình chọn hết sức khắt khe như phải là người có hoàn cảnh khó khăn, có bảo hiểm y tế… Sau khi được chính quyền địa phương duyệt, công ty duyệt, họ mới được cấp thẻ vào nhặt rác.
Tuy nhiên, họ cũng chỉ được luân phiên 7 ngày/tháng bởi số người đủ tiêu chuẩn cấp thẻ rất đông. Đọc bài viết, không thể không ứa nước mắt xót thương cho thân phận lam lũ ở miền quê nghèo khổ. Thế nhưng đọc câu chuyện thứ hai này cúng không thể không ứa nước mắt vì tức giận.
Đó là câu chuyện cán bộ xã Hải An, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) “ỉm” tiền hỗ trợ người nghèo. Lý do mà họ đưa ra là bởi “cán bộ xã... có việc gia đình (!?)”. Tuy nhiên, trước câu hỏi nếu như không có sự vào cuộc của báo Dân trí thì liệu sự “có việc gia đình” sẽ kéo dài đến bao giờ? Và cả việc cán bộ lập danh sách và ký thay cho nhiều người, trong khi tiền vẫn nằm ở “túi” cán bộ vẫn chưa được làm rõ...
Đành rằng số tiền “ỉm” đi ở đây không phải là lớn. Thế nhưng với những người nghèo, dù một đồng cũng quý, nhất là đây là tiền hỗ trợ chính sách như lời của ông Lê Thế Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia:
“Chế độ chính sách là phải thực hiện nghiêm. Thực ra số tiền cũng ít thôi, nhưng chậm là sai rồi. Phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu dù chưa biết nặng nhẹ thế nào. Phải làm đến nơi đến chốn và có hình thức kỷ luật”.
Nông dân đã nghèo, nông dân ở một tỉnh như Thanh Hóa càng nghèo. Xin đừng để những người nông dân ở miền đất mà “Cả làng làm đơn xin… nhặt rác” thêm một lần khốn khổ chỉ vì cán bộ xã… “bận việc gia đình”. "quan" thế, dân không nghèo mới lạ, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám