Vụ xã “ỉm” tiền hỗ trợ người nghèo: Do cán bộ xã... có việc gia đình (!?)
(Dân trí) - Ngay sau khi báo Dân trí phản ánh việc chính quyền xã Hải An chậm chi trả tiền hỗ trợ chính sách cho các gia đình thuộc diện hộ nghèo, huyện Tĩnh Gia và nhiều ngành chức năng các cấp đã vào cuộc kiểm tra, xác minh. Tiền chế độ chính sách tất nhiên phải chi trả, nhưng hình thức xử lý sai phạm như thế nào là điều dư luận đang rất quan tâm.
>> Xã "ỉm" tiền hỗ trợ cho đối tượng chính sách
Liên quan đến vấn đề chi trả tiền điện hỗ trợ cho hộ nghèo trên địa bàn xã Hải An, sau khi báo điện tử Dân trí phản ánh, chính quyền mới vội vàng thông báo chi trả cho các hộ dân.
Ngày 25/4, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có công văn về việc kiểm tra, xác minh vụ việc chi trả hỗ trợ tiền điện cho hộ gia đình chính sách xã hội tại xã Hải An, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, Cục Bảo trợ xã hội đề nghị Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa tổ chức kiểm tra, xác minh vụ việc báo điện tử Dân trí nêu, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm cá nhân có sai phạm và báo cáo bằng văn bản về Bộ (Cục Bảo trợ xã hội) trước ngày 4/5/2016.
Trước đó, ngày 22/4, UBND huyện Tĩnh Gia cũng đã ban hành công văn 765 về việc tăng cường công tác quản lý đối tượng và sử dụng kinh phí thực hiện pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, đối tượng xã hội.
Công văn nêu rõ, một số xã việc triển khai thực hiện chậm, thiếu quan tâm chỉ đạo. Việc thực hiện chi trả tiền điện hỗ trợ cho hộ nghèo, tiền trợ cấp hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội… còn chậm; công tác lưu trữ quản lý hồ sơ chưa chặt chẽ còn để thất lạc và trong danh sách nhận tiền trợ cấp của các đối tượng còn có tình trạng một người nhận thay cho nhiều người, sai với quy định chế độ tài chính; việc nhập phần mềm, lập danh sách mua thẻ BHYT ở một số đơn vị quá chậm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng và gây khó khăn khi quyết toán.
Cũng trong ngày 22/4, ông Lê Thế Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia ký công văn yêu cầu Chủ tịch UBND xã Hải An khẩn trương chỉ đạo chi trả tiền điện cho những hộ chưa được nhận, đồng thời báo cáo giải trình cụ thể việc chậm chi trả tiền điện hỗ trợ cho hộ nghèo; tổ chức hội nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và có hình thức xử lý kỷ luật đối với tập thể và cá nhân trong việc chậm chi trả tiền điện hỗ trợ cho hộ nghèo. Báo cáo gửi về Chủ tịch UBND huyện trước ngày 27/4/2016.
Sáng ngày 27/4, tại buổi làm việc với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Khắc Đạo - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tĩnh Gia cho biết, thực tế, quý 1 và quý 2 năm 2015 đã cho trả hết. Quý 3 có 36/282 và quý 4 năm 2015 là 45/282 hộ chưa được nhận.
Theo ông Đạo lý giải, việc chậm chi trả là do: “Có hộ đi làm ăn xa, một dạng là họ để 2 quý lấy một lần, một dạng bận công việc không đến nhận được, một dạng nữa là nghe thông báo nhưng không đi nhận; có hộ đến UBND xã nhưng không nhận được vì trong thời gian anh Sáng (ông Lường Hữu Sáng, cán bộ chi trả - PV) có việc gia đình” (!?).
Ông Đạo khẳng định: “Về mặt nguyên tắc là không đúng, đến thời điểm này, công việc chi trả đã xong hết cho các đối tượng. Ngày 21/4, Phòng đã về kiểm tra; ngày 22/4, UBND huyện có công văn chỉ đạo xã có báo cáo giải trình về việc chậm chi trả tiền điện; ngày 25/4, đoàn của Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ lao động Thương binh và Xã hội và Sở lao động Thương binh và Xã hội về nắm tình hình cụ thể”.
“Do số tiền điện tăng giảm hàng tháng nên rất khó và chậm trễ. Tuy nhiên, ở đây không có vay mượn, không xâm tiêu vào tiêu dùng cá nhân. Chủ tịch xã cũng ký nhận 3 trường hợp, tiền thì ít nhưng trong hoàn cảnh khó khăn đến với người dân được đồng nào hay đồng đó. Trách nhiệm của phòng không nhận được thông tin và xã cũng vậy”, ông Đạo khẳng định.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Thế Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia khẳng định việc báo Dân trí phản ánh là đúng sự việc, huyện đã yêu cầu xã phải giải quyết, trách nhiệm của xã là phải chi trả. Tuy nhiên, ở đây, xã đã trả không kịp thời, một số đối tượng chưa hết.
“Chế độ chính sách là phải thực hiện nghiêm. Thực ra số tiền cũng ít thôi, nhưng chậm là sai rồi. Phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu dù chưa biết nặng nhẹ thế nào. Phải làm đến nơi đến chốn và có hình thức kỷ luật”, ông Kỳ cho biết thêm.
Thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, đến đầu tháng 4/2016, sau khi có đơn thư phản ánh, chính quyền địa phương mới tiến hành chi trả số tiền hỗ trợ của quý 3 và quý 4 năm 2015. Còn về trách nhiệm của các ngành chức năng cũng như UBND huyện Tĩnh Gia trong việc quản lý, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách trên địa bàn vẫn còn là một dấu hỏi. Hơn nữa, việc cán bộ lập danh sách và ký thay cho nhiều người, trong khi tiền vẫn nằm ở “túi” cán bộ chưa được làm rõ…
Tại buổi làm việc sáng ngày 27/4, trước câu hỏi đặt ra là nếu không có đơn thư phản ánh của công dân và sự vào cuộc của cơ quan báo chí thì liệu số tiền điện hỗ trợ tại xã Hải An có đến được với người nghèo hay không thì lãnh đạo huyện Tĩnh Gia và đại diện Ngành lao động Thương binh và Xã hội giải đáp chưa thỏa đáng.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vấn đề nêu trên đến bạn đọc.
Duy Tuyên