Giữ thành quả chống dịch và câu chuyện về "vắc xin ý thức"
(Dân trí) - Với những kết quả tích cực trong phòng, chống dịch Covid-19, nhiều địa phương đã từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách. Để giữ vững thành quả này, rất cần "vắc xin ý thức" từ chính người dân.
Ngày 23/9, Văn phòng Chính phủ có công điện truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Y tế và lãnh đạo một số địa phương về việc chấn chỉnh, tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Công điện nêu rõ, trong mấy ngày vừa qua, sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, tại một số địa phương đã có hiện tượng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch, một số nơi xuất hiện các ổ dịch mới.
Cùng với đó, Thủ tướng phân công trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo các Bộ, ngành, các địa phương trong việc tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, giữ vững thành quả chống dịch.
Thời gian qua mặc dù hết sức gian khó nhưng chúng ta đang dần kiểm soát được các ổ dịch và từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Có được kết quả đó là trách nhiệm, tâm huyết, thậm chí là tính mạng và sức khỏe của các lực lượng tuyến đầu. Đặc biệt không thể không nhắc tới sự đồng lòng, phối hợp, ủng hộ của người dân đối với các biện pháp phòng, chống dịch.
Sau thời gian dài thực hiện các biện pháp mạnh để chống dịch, các địa phương tùy vào tình hình thực tế đã từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng. Chúng ta có thể hiểu được niềm vui của người dân ở các khu vực cách ly, phong tỏa dài ngày khi bước sang trạng thái "bình thường mới".
Họ như chiếc lò xo bị nén lâu ngày, nay được bung ra, hay bởi quá vui mừng với thành quả chống dịch mà trở nên chủ quan?. Chứng kiến những con đường chật kín dòng người và xe cộ trong đêm Trung thu ở Hà Nội ngay ngày đầu tiên nới lỏng giãn cách, nhiều người không khỏi lo lắng.
Nếu xuất hiện tình huống không mong muốn xảy ra, sự nỗ lực, cố gắng nhiều ngày qua, thậm chí nhiều tháng qua của lãnh đạo thành phố, của ngành y tế, của hàng nghìn con người sẽ hóa tro bụi. Cuộc chiến chống dịch có thể lại phải bước vào giai đoạn mới, khó khăn và tốn kém hơn trước gấp bội.
Thực tế tại Đà Nẵng, Hà Nam hay Kiên Giang những ngày vừa qua cho chúng ta thấy cuộc chiến với kẻ thù giấu mặt này vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Bởi vậy, chỉ một phút mất cảnh giác, lơ là, chúng ta sẽ phải trả cái giá rất đắt.
Chúng ta đang bước vào giai đoạn "sống chung với dịch" bằng biện pháp phong tỏa diện hẹp, bằng bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cho người dân cả nước, từng bước khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh đã và đang bị ngưng trệ do dịch bệnh. Cùng với đó, chúng ta phải giữ vững thành quả chống dịch đã đạt được trong suốt thời gian dài vừa qua.
Nới lỏng giãn cách để thực hiện "mục tiêu kép" là cần thiết nhưng chúng ta không được phép nới lỏng sự cảnh giác trước dịch bệnh. Công tác phòng dịch một cách nghiêm túc cần thiết phải tiếp tục duy trì trong tình hình mới.
"Công tác chống dịch chỉ đem lại kết quả thực chất khi tất cả chúng ta cùng đồng lòng và tự giác chấp hành các quy định về phòng, chống dịch. Đừng để thành quả bước đầu đạt được, công sức của chúng ta uổng phí vì sự chủ quan"- Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong bày tỏ sau tình trạng người dân Thủ đô ùn ùn kéo ra đường trong đêm Trung thu vừa qua.
Lúc này hơn hết, mỗi người dân phải tự tiêm cho mình một liều "vắc xin ý thức" phòng dịch, bởi cuộc chiến này không phải của riêng ai và mối nguy cơ dịch bệnh này cũng không loại trừ bất kỳ một ai.