Giỏi chuyên môn, giỏi ngoại ngữ hay “giỏi”… lý lịch?
(Dân trí) - Dư luận bàn rất sôi nổi về chuyện thi tuyển, sát hạch công chức, khen chê đủ điều nhưng hình như chưa có ai chạm đến bản chất của vấn đề tuyển dụng như ý kiến của luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Thứ nhất: “Quan trọng là người đứng đầu có quyết tâm chọn người tài hay không”.
Ý kiến này rất xác đáng, nếu người đứng đầu quyết tâm chọn người tài thì chắc chắn sẽ tìm ra người tài. Còn nếu ngược lại, họ tuyển người vì tiền, vì quan hệ, vì hậu duệ, con cháu, dòng họ, thì họ có đủ mọi mưu chước để đánh rớt người tài, đưa người được “cơ cấu” vào. Mọi kiểu thi cử chỉ là hình thức, chẳng qua thi là “làm phép”.
Tích xưa tuồng cũ đã có nhiều chuyện hay về việc quyết tâm chọn người tài, tìm người tài. Người Việt Nam học lịch sử không ai không biết chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ban đầu, cụ Huỳnh Thúc Kháng từ chối, đôi lần lấy cớ tuổi cao: “Tôi ra đây là cốt gặp cụ chớ lúc này là lúc cần tăng gia sản xuất mà tôi không biết cầm cày, cầm cuốc, lại phải kháng chiến mà tôi không mang súng nổi. Cụ nên kiến nghị người trẻ thạo việc để giao nhiệm vụ thì hơn”.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng nhiều lần từ chối nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm đủ cách để thuyết phục. Bởi vì Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết tâm tìm người tài, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất trân trọng: “Một người đạo đức danh vọng mà toàn quốc ai cũng biết: Cụ Huỳnh Thúc Kháng”.
Nay, học tập và làm theo Bác, có mấy ai đi trong dân gian để gõ cửa tìm người tài, có mấy ai làm lãnh đạo mà “tam cố thảo lư” như Lưu Huyền Đức mời Khổng Minh để tìm người hiền ra lo việc nước?
Thứ hai, theo luật sư Trần Quốc Thuận: “Định nghĩa chữ “tài” tùy thuộc vào mỗi nước có quan điểm khác nhau. Tài ở nước ngoài là giỏi về chuyên môn, giỏi về kỹ thuật, giỏi về ngoại ngữ, giỏi về vi tính… còn ở mình tài còn kèm theo đó là lý lịch”.
Luật sư Trần Quốc Thuận đã rất thẳng thắn khi nói đến hai chữ “lý lịch”. Dù đất nước đã thống nhất 40 năm, dù đã có không ít ý kiến lên tiếng xóa bỏ lằn ranh phân biệt đối xử, nhưng “chủ nghĩa lý lịch” vẫn cứ tồn tại, cản trở sự đóng góp, cống hiến và phát triển của rất nhiều người có năng lực thực sự.
Tất cả các cuộc thi dù bắt buộc có chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, nhưng đó là cái bề nổi, còn ẩn chứa đằng sau, cuộc sát hạch lý lịch mới là cốt yếu. Đã có một thời, người ta công khai đưa lý lịch ra làm môn thi. Nay tuy không nói ra, nhưng nó vẫn còn chi phối ít nhiều…
Một khi người đứng đầu không quyết tâm chọn người tài. Một khi còn “chủ nghĩa lý lịch”, thì mọi kiểu thi cử chỉ là hình thức.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!