Để không bỏ sót người có năng lực thực sự

(Dân trí) - Thủ khoa, thạc sĩ, người tốt nghiệp xuất sắc ở nước ngoài thi trượt tại kỳ thi sát hạch công chức ở Hà Nội vừa qua trở thành sự kiện được dư luận quan tâm. Có không ít ý kiến cho rằng, kỳ thi không khách quan, dẫn đến kết quả không công bằng.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đáp lại sự quan tâm của dư luận, ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội khẳng định: “Việc sát hạch là minh bạch, khách quan. Nếu ứng viên thấy điểm bài viết không đúng với kết quả bài làm của mình thì làm đơn. Bộ Nội vụ sẵn sàng kiểm tra lại”.

Lãnh đạo Sở Nội vụ quả quyết như vậy, nhưng kỳ thi gồm hai phần, phần viết và phần phỏng vấn. Bài viết còn lưu lại, nhưng phỏng vấn thì không thể lưu, hoàn toàn cảm tính. Cửa sát hạch này đương nhiên chỉ dựa vào sự công tâm và trình độ của những người phỏng vấn và đây cũng là kẻ hở. Nếu có tiêu cực, thì cửa này hoàn toàn có thể vận dụng.

Tuy nhiên, chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào sự khách quan, vô tư của những người cầm cân nảy mực, không nên vội vàng cho rằng có tiêu cực trong kỳ thi, mà điều cần bàn là cách thi. Căn cứ vào đề cương ôn tập và ngân hàng đề thi tuyển công chức hằng năm, có thể thấy rằng, cách thi quá lỗi thời, quá lạc hậu, là tư duy thi cử của mấy chục năm về trước.

Đề thi chủ yếu khai thác trí nhớ, bắt thí sinh học thuộc lòng những kiến thức đúng ra không cần phải thuộc. Ở thời đại bùng nổ internet và quá nhiều công cụ để có thể khai thác những kiến thức sách vở, thì việc đưa ra bộ đề thi mà đáp án dựa vào khả năng học thuộc lòng là không phù hợp.

Có thể các thủ khoa, thạc sĩ bị trượt tại kỳ sát hạch vừa qua vì họ đã làm bài không tốt, do họ không chịu học thuộc lòng những kiến thức cho sẵn. Nhưng xét về bản chất, với cách thi cử này, rất có thể đã bỏ sót người có thực tài. Bởi vì, những người có năng lực tư duy cao thường không quan tâm đến việc học thuộc lòng những thứ có sẵn, không ai mất thì giờ đi làm những việc “dại dột” đó.

Đối với họ, trong một kỳ thi công chức, việc đưa ra một sáng kiến hay phương án giải quyết một vấn đề (theo chuyên môn được đào tạo) mang lại hiệu quả cao mới là thử thách. Học thuộc lòng và trả bài chỉ dành cho học sinh phổ thông, không dành cho những người đảm trách công việc của một cơ quan nhà nước.

Những ý kiến đóng góp từ dư luận về kỳ sát hạch công chức của Hà Nội cũng chỉ với mục đích xây dựng để cho những kỳ thi sau tốt hơn, hiệu quả hơn, đó là tuyển chọn được người có năng lực thực sự. Muốn như vậy cần sớm thay đổi phương thức thi, đề thi phải đổi mới, khai thác tính sáng tạo, chú trọng năng lực tư duy, đề cao khả năng thực hành.

Nếu như là những “con mọt” chỉ biết “tụng” thông tư, nghị định cho thuộc lòng mà không có khả năng sáng tạo và tư duy đột phá thì cũng chẳng làm gì nên cơm nên cháo ngoài “sáng vác ô đi tối vác về”.

Lê Chân Nhân

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!