Giàu từ đất, tù vì đất và yêu cầu chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai
(Dân trí) - Từ nguồn tài nguyên này, nhiều địa phương, nhiều người đã giàu lên nhưng cũng không ít nơi mất cán bộ, thất thoát ngân sách cũng vì đất.
Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, một trong những vấn đề được các đại biểu hết sức quan tâm và cho ý kiến về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).
Cả nước hiện có 2,03 triệu ha đất đô thị, đáp ứng mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Quy hoạch sử dụng đất đô thị đến năm 2030 là 2,95 triệu ha, tăng 925,78 nghìn ha. Về đất trồng lúa, so với 10 năm trước đã giảm hơn 202 nghìn ha, năm 2020 cả nước có 3,18 triệu ha, đảm bảo chỉ tiêu Quốc hội quyết định. Quy hoạch đến 2030, diện tích đất trồng lúa và lúa kết hợp với các cây lương thực có 3,568 triệu ha, giảm 349 nghìn ha.
Trước hết phải khẳng định rằng, đất đai không phải là nguồn tài nguyên vô tận và đang phải chịu tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa cũng như biến đổi khí hậu. Đất đai cũng là lĩnh vực nhạy cảm và có vai trò đặc biệt quan trọng trong quy hoạch, phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương và cả nước.
Với một đất nước đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, việc mở rộng đất đô thị, đất công nghiệp là hoàn toàn cần thiết và phù hợp với nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp, nguồn thu từ xuất khẩu nông sản chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu hàng năm. Bởi vậy, xây dựng quy hoạch sử dụng đất đai để vừa đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu khó lường là điều hết sức quan trọng và phải cẩn trọng.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, quy hoạch đất đai phải đi trước một bước, làm cơ sở cho các quy hoạch phát triển khác. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải tập trung công nghệ, nhân lực để xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ hiệu quả hơn cho công tác quy hoạch và sử dụng đất.
"Giàu lên nhờ đất rất nhiều, tù tội vì đất cũng rất nhiều, kỷ luật Đảng cũng rất nhiều. Cho nên, yêu cầu đặt ra là chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tại buổi thảo luận, cho ý kiến về quy hoạch sử dụng đất.
Thời gian qua, xảy ra không ít đại án tham nhũng liên quan đến quy hoạch, sử dụng các khu đất vàng, chuyển đổi đất nông nghiệp 2 vụ lúa... dẫn tới thất thoát ngân sách, mất cán bộ và nguy hiểm hơn là phá vỡ quy hoạch tổng thể về sử dụng đất ở các địa phương, các khu vực.
Quy hoạch đất đai và tuân thủ quy hoạch là một trong những giải pháp để "chặn" tình trạng tham nhũng về đất. Quy hoạch, quản lý đất phải thống nhất, tập trung vào một đầu mối để đảm bảo hiệu quả và tăng tính chịu trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia xây dựng quy hoạch.
Bên cạnh đó, việc xây dựng quy hoạch cần thiết phải có sự tham gia của từng địa phương và gắn với trách nhiệm người đứng đầu địa phương khi xảy ra tình trạng điều chỉnh, thay đổi, phá vỡ quy hoạch tổng thể hoặc xảy ra các dự án treo, dự án bỏ hoang gây thất thoát ngân sách và lãng phí.
Cùng với quy hoạch sử dụng đất một cách cụ thể, rõ ràng, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng... quan trọng không kém là hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo được cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng để phát huy một cách hiệu quả nguồn tài nguyên đặc biệt này.
Chỉ khi ngăn chặn được tham nhũng thì Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và người dân mới có thể làm giàu từ đất.