Gian lận thi cử: Xin đừng để tích tiểu thành đại
(Dân trí) - Suốt thời gian qua, gian lận thi cử ở kỳ thi THPT quốc gia vẫn là đề tài rất nóng. Đành rằng các quan chức dính dáng kỳ thi năm ngoái đang bị xử lý, mấy ổ bán "công cụ hỗ trợ" bị tóm, các chuyến thanh kiểm tra, biện pháp chống gian lận liên tục được đề ra,... nhưng chúng ta đang nỗ lực xử lý phần “ngọn” hay phần “gốc”?
Chống gian lận thi cử được hay không, theo quan điểm người viết, chúng ta phải nhìn nhận vào gốc gác của vấn đề. Dường như gian lận trong kỳ thi quốc gia THPT chỉ là hệ quả tất yếu của một quá trình “tích tụ” từ mẫu giáo đến lớp 12 và được sự trợ giúp tích cực của phụ huynh và nhà trường.
Chưa cần những đề tài nghiên cứu riêng, chỉ cần thấy từ học bạ “siêu nhân”, cả ngàn học sinh tổng kết “đẹp như mơ” toàn điểm 9, 10 cho quá trình học 5 năm cấp 1, cuối năm, cả lớp rồi cả trường đến 70-80% học sinh giỏi. Mà theo người viết, điều này không chỉ diễn ra ở một nơi hay một trường, cũng đủ thấy “có vấn đề gì đó”.
Và cái “vấn đề gì đó” lại đang được nhiều phụ huynh và các trường mặc nhiên chấp nhận (hoặc cam chịu). Nhà trường có kết quả rực rỡ để báo cáo cuối năm học, bố mẹ hãnh diện khoe với bạn bè, họ hàng,...
Hãy hình dung một đứa trẻ, từ 5-6 tuổi đến hết lớp 12, được nuôi và dạy trong môi trường đó. Đầu tiên các cháu chưa biết hay hiểu chuyện gì đang xảy đến. Nhưng rồi, các cháu sẽ thấy “điểm ảo”, “thành tích ảo” sướng hơn và từng bước vô tình hay hữu ý tham gia vào chính quá trình gian lận đó.
Để rồi mức độ gian lận ngày càng cao hơn, tinh vi hơn, kéo từ thời phổ thông đến đại học, rồi đi làm, thậm chí đến nghỉ hưu...
Người gian lận được thì hãnh diện và sẵn sàng tìm mọi cách để đạt và bảo vệ được “thành quả” vì những lợi ích, vị trí thậm chí cả học hàm/học vị. Cứ thế, có thể gian lận cả đời. Một số sẽ bị chặn lại bởi pháp luật hoặc khi tham gia vào một môi trường mà sự gian lận không còn được chấp nhận.
Rõ ràng việc chống gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT không thể giải quyết được vấn đề khi mà việc gian lận đã manh nha, tích tụ từ cấp học bên dưới và có sự đồng thuận đáng kinh ngạc cũng như đáng xấu hổ từ nhiều phía.
Gian lận có thể manh nha ở bất kỳ đâu nhưng ở nơi tử tế, việc gian lận có 2 điểm khác biệt: Chỉ là hiện tượng hiếm gặp và không được xã hội chấp nhận. Thứ hai, nếu bị phát hiện thì bị trừng phạt tương xứng với mức độ vi phạm.
Thi cử ở đâu cũng có, nhưng đừng “trầm trọng hóa” thi cử. Thi đậu tất nhiên là tốt, nếu trượt, đã có những phương án phân luồng khác phù hợp hơn.
Giữa cơn bão gian lận, có những ý kiến tưởng như vô lý nhưng tại sao không thể. Đó là mỗi năm tổ chức thi tốt nghiệp THPT… 3,4 lần. Ai thích thi bao nhiêu lần cũng được, mục đích là để cấp bằng THPT quốc gia cho những ai đạt ngưỡng kiến thức tối thiểu cần có ở 12 năm học. Không cần phân biệt, câu nệ phải học trường nào đó, nếu tự học mà thi được cứ để họ thi.
Các trường đại học có dùng điểm thi đó hay không hay dùng như thế nào là việc của họ.
Giảm áp lực thi cử, hẳn nhiên sẽ giảm áp lực lên toàn xã hội, ắt giảm cả nhu cầu gian lận.
Lúc ấy, Bộ GD&ĐT có thể chỉ cần làm một việc: Đặt ra ngưỡng tiêu chuẩn. Còn sở GD&ĐT lo tạo môi trường thi minh bạch, đảm bảo yêu cầu.
Chỉ có ánh sáng mới đẩy lùi bóng tối! Không ai có thể trở thành người tử tế nhờ gian lận.
Khúc Trung Kiên