Gian lận điểm thi là một tội ác!
(Dân trí) - Thiết nghĩ, không chỉ ngành Công an, mà bất cứ ngành nghề nào: luật, sư phạm, kinh doanh... cũng đều đề cao phẩm chất, tư cách đạo đức. Đất nước này cần những con người có thực lực, và cả lòng trung trực!
Đó là tội ác với những nhân tài thực sự bị chèn ép; là tội ác với chính những học sinh được nâng điểm khi bán rẻ nhân cách, lòng tự trọng ngay trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Đó còn là tội ác với đất nước, là sự chà đạp lên niềm tin của hàng triệu con người với một kỳ thi có quy mô quốc gia nhằm kiếm tìm, ươm mầm nên những bàn tay kiến thiết tương lai.
Quanh câu chuyện 222 thí sinh “gian lận” điểm thi tại 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình, ngày 22/4, Báo Lao động có bài viết “Nghe tâm sự xót xa của nạn nhân bị thí sinh gian lận cướp mất cơ hội” mà đọc xong, không ai không cảm thấy đau lòng xen phẫn nộ.
Bài báo kể về một thí sinh ở Hà Tĩnh trượt đại học 2 năm liền. Năm thi đầu tiên (năm 2017) em được 26,75 điểm vì thiếu đúng 0,25 điểm và năm thứ hai, với 25 điểm/3 môn, em lại trượt vì thiếu 0,75 điểm, không thể vào được Trường Sĩ quan chính trị mà em mơ ước.
“Hai năm qua, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của bố mẹ đã rơi. Em thấy tiếc tất cả những điều đó” – cậu thí sinh nghèo sinh trưởng trong một gia đình nông dân chỉ biết cay đắng nói như vậy khi nghe tin về vụ nâng điểm chấn động vừa qua.
Trong khi những thí sinh “con ông cháu cha” ở 3 địa phương nói trên được nâng khống tới hàng chục điểm, “biến hoá kỳ ảo” từ 0 lên 9, thì lại có những thí sinh khác, chỉ 0,25 điểm thôi, cánh cửa vào đại học đã có thể bị khép lại.
Ở điều kiện sống bình thường, có mấy ai hiểu, động lực của không ít học sinh cố bước chân vào những trường khối công an, quân đội… (dù điểm cao ngất ngưởng) chỉ là vì được miễn, giảm học phí, bởi gia đình không đủ tài chính chu cấp cho các em 4-5 năm liền trên giảng đường. Trượt đại học – nghĩa là ở nhà làm ruộng, là làm lao động phổ thông, rời ngòi bút để bốc vác, nhặt nhạnh từng đồng mưu sinh kiếm sống.
Cho nên, tôi phải nói rằng, vụ gian lận điểm vừa qua, thực sự là tội ác! Đó là tội ác với những nhân tài thực sự bị chèn ép; là tội ác với chính những học sinh được nâng điểm khi bán rẻ nhân cách, lòng tự trọng của các em ngay trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Cho đến hiện tại, vẫn còn một số em có tên trong danh sách “gian lận” điểm thi được các trường đại học “nhân văn” cho tiếp tục theo học vì điểm thực đủ điểm trúng tuyển vào trường. Song, cũng có những trường trong khối công an thu hồi kết quả trúng tuyển với tất cả thí sinh có trong “danh sách đen” này. Tổng số 53 thí sinh có trong danh sách sửa, nâng điểm thi ở Sơn La và Hòa Bình đã bị Bộ Công an thẳng tay trả về địa phương để xử lý theo đúng quy định.
Mặc dù còn những tranh luận quanh việc nên hay không nên huỷ kết quả thi của thí sinh được nâng điểm trong vụ việc này, người viết vẫn cho rằng, muốn hay không, thì điểm của các em này cũng do gian lận mà có.
Một thí sinh được nâng 25 điểm so với một thí sinh được nâng 10 điểm thì cũng đều là gian lận, không thể nói mức độ vi phạm của em này nhẹ hơn em kia. So với việc những thí sinh đưa tài liệu vào phòng thi hay chép theo bài bạn, thì một thí sinh được sửa điểm không vì thế mà nhẹ tội hơn, thậm chí tính chất vi phạm còn nghiêm trọng hơn, tinh vi hơn. Các chuyên gia giáo dục phân tích rằng, chỉ “nhắm mắt chọn bừa” còn được 2,5 điểm thì khả năng cao là không ít học sinh đã chủ động không điền đáp án, để cho việc điền đáp án sau khi thi được dễ dàng.
Như Thiếu tướng Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an có nói: Ngành công an là ngành bảo vệ pháp luật, vì thế yêu cầu với học viên của các trường Công an không phải chỉ là kiến thức, trình độ mà còn là sự trung thực, phải có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh đấu tranh với cái sai, cái xấu.
Thiết nghĩ, không chỉ ngành Công an, mà bất cứ ngành nghề nào: luật, sư phạm, kinh doanh... cũng đều đề cao phẩm chất, tư cách đạo đức. Đất nước này cần những con người có thực lực, và cả lòng trung trực!
Bích Diệp