Giảm tối đa biên chế, sẽ không còn “công chức 100 triệu”
(Dân trí) - Bao giờ đổi được nền hành chính cai quản sang nền hành chính công vụ, sẽ không còn những công chức “sáng cắp ô đi, tối vác về”. Bao giờ giảm tối đa chế độ biên chế nhà nước sang hợp đồng “có thời hạn” sẽ không còn những công chức lười nhác, không còn khái niệm “công chức 100 triệu đồng”.
Chủ trương tinh giản biên chế từ nay đến 2021 đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo quyết liệt thực hiện theo Kế hoạch của Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế. Nhưng làm như thế nào, cắt ai, giảm ai đi vào thực tế đang là một bài toán khó.
Công chức cả nước theo thống kê có khoảng 2,8 triệu người, trong đó, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc thì có đến 30% “sáng cắp ô đi, tối cắp về” , tức là khoảng 840.000 người trong bộ máy biên chế “chỉ chờ ăn lương”.
Thống kê của Bộ Nội vụ, trong 5 tháng cuối năm 2015, cả nước chỉ tinh giản được 5000 biên chế, như vậy làm phép tính đơn giản, mỗi tháng chúng ta chỉ tinh giản được 1000 biên chế. Vậy để tinh giản được con số 840.000 nhân viên công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, cứ theo tiến độ “tà tà” này phải mất 840 tháng, tương đương… 70 năm nữa.
Có thể sẽ hiệu quả hơn, là không phải tinh giản biên chế mà mạnh dạn bỏ hẳn luôn chế độ biên chế nhà nước, hiểu nôm na là không còn khái niệm “hưởng lương suốt đời”. Chính khái niệm biên chế nhà nước đang bị “biến thể”, bị hiểu lệch lạc của cả hệ thống đang là nguyên nhân làm trì hoãn sự phát triển của đất nước.
Sẽ không công bằng chút nào cho những người hàng năm, thậm chí năm này qua năm khác vẫn lao động miệt mài, cống hiến hết mình cho công việc nhưng vẫn bị xếp ở chế độ “hợp đồng có thời hạn”. Họ luôn thấp thỏm bị sa thải, thất nghiệp nếu không làm tốt nhiệm vụ được giao.
Còn những người đã vào được biên chế nhà nước lại cho phép mình “sáng cắp ô đi, tối vác về”, vẫn được hưởng lương, hưởng lộc đầy đủ. Ấy là chưa kể những “công chức 100 triệu” còn ra sức hoạnh họe, tìm mọi cách để được đút lót, tìm cách tham nhũng nhằm lấy lại số vốn mà họ đã chi ra để chạy suất biên chế của mình.
Sẽ không công bằng chút nào, khi đội quân biên chế nhà nước lười nhác, tham lam, kiếm được suất biên chế nhờ hậu duệ, nhờ quan hệ và nhờ cả vào tiền tệ dồi dào - được nhiều người đánh giá “ngày càng một đông” - lại được quyền “đến hẹn tăng lương, đến tháng lĩnh tiền”, và đương nhiên về hưu được hưởng trọn lương hưu, bảo hiểm.
Bỏ chế độ biên chế nhà nước, tất nhiên trừ một số lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước mà thay vào “hợp đồng ngắn hạn”, “hợp đồng dài hạn” là cách duy nhất để các công chức không còn lười nhác nếu không muốn bị mất việc, bị sa thải và đó cũng là động lực để phát triển, nâng cao hiệu quả cho bộ máy nhà nước hiện nay.
Bỏ chế độ biên chế nhà nước, chắc chắn cũng mất luôn khái niệm “chạy vào biên chế”, một nghịch lý tưởng như ngược đời nhưng lại xuất hiện ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Bởi làm một bài toán đơn giản, không ai lại bỏ hàng trăm triệu đồng đi xin một công việc được định danh là “hợp đồng có thời hạn”.
Vậy thì việc bỏ chế độ biên chế nhà nước cũng là cách chuyển dịch người lao động có trình độ cao sang các nhóm ngành thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế tốt hơn, giảm được số lượng người lao động đua vào những nhóm ngành có biên chế nhà nước nhiều hơn.
Một khi họ không còn tìm thấy chốn “dung thân an nhàn” hay sống bằng “lậu” nhiều hơn bằng lương ở suất biên chế nhà nước, tự nhiên họ phải tìm đường mưu sinh tốt hơn cho chính mình. Đặc biệt, sẽ không còn việc nhận “hàm” để hưởng lương bổng như bấy lâu nay.
Đấy là không cần Nhà nước ra tay tinh giản, mà tự khắc sẽ giảm, phải không các bạn ?
Thế Nam