Giảm được ½ công chức thì dân giàu nước mạnh

(Dân trí) - Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng) về tình hình biên chế ngày càng tăng và giải pháp tinh giản hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ vẫn thực hiện nghiêm chủ trương cơ bản không tăng biên chế cho đến hết năm 2016.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đây là điểm rất mấu chốt, nếu trong hai năm liên tiếp không tăng biên chế, đồng thời thực hiện nghiêm chế độ nghỉ hưu cho cán bộ công chức đến tuổi, thì số biên chế sẽ giảm đáng kể.

Nhưng điều này cũng chưa đủ, số lượng cán bộ công chức tính trên đầu dân của Việt Nam quá đông. Các nhà phân tích từng đưa ra so sánh, tổng dân số Mỹ gần 350 triệu, Việt Nam gần 90 triệu dân. Về dân số Việt Nam gần bằng ¼ Mỹ, xét về địa lý thì Việt Nam bằng 1/10 Mỹ. Thế nhưng Mỹ có 2,1 triệu công chức, còn Việt Nam 2,8 triệu công chức. Nếu theo tỉ lệ công chức trên đầu dân của Mỹ, thì Việt Nam chỉ cần 500.000 công chức. Tức là nếu đủ trình độ và công cụ quản lý đạt đẳng cấp của các nước tiên tiến, Việt Nam có thể giảm được 2,3 triệu công chức hiện nay.

Nâng cao tính hiệu quả trong quản lý, xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả là mục đích mà Chính phủ hướng tới và chắc chắn sẽ đạt được. Việt Nam chưa thể cắt ngay một lúc 2,3 triệu công chức, nhưng có thể thực hiện theo lộ trình. Ai cũng có thể tính được, chỉ cần cắt được 1/3 số lượng công chức, thì đủ tiền tăng lương cho số còn lại, hiệu quả của công việc cũng tăng theo.

Trong văn bản hồi âm đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác nhận mức lương cơ bản 1.150.000 đồng/tháng hiện nay vẫn còn thấp, đời sống của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn gặp nhiều khó khăn.

Cho nên, chỉ có cách cắt giảm biên chế mới cải thiện được thu nhập cho cán bộ công chức hiệu quả, không còn cách nào khác.

Tiến đến, nếu cắt ½, tức chỉ còn 1,4 triệu công chức, thì nền hành chính Việt Nam không cần hô hào cũng tự mạnh, dân chúng sẽ được thụ hưởng các dịch vụ công văn minh, chuẩn mực, hiệu quả. Lương của công chức tăng lên gấp đôi, ngân sách nhà nước chi cho bộ máy hành chính lại giảm. Bởi vì, giảm được ½ số lượng công chức không chỉ là giảm quỹ lương, mà giảm nhiều chi phí khác như công tác phí, điện, nước, điện thoại…

Giảm được ½ công chức thì tự khắc dân giàu nước mạnh.

Còn tổ chức được bộ máy hành chính đạt được trình độ cao, chất lượng cao, chỉ còn 500.000 công chức (bằng tỉ lệ trên đầu dân của Mỹ), thì lúc đó Việt Nam là một cường quốc (nhưng chưa biết khi nào).

Không một cường quốc nào không được xây dựng nên từ một nền hành chính văn minh. Việt Nam chỉ có thể thịnh vượng một khi xây dựng được một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả mà Chính phủ đã có định hướng chí đạo thực hiện.

Lê Chân Nhân

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!