Giải bài toán khó với Hải Dương
(Dân trí) - Thông tin mới nhất từ Dân trí, Hà Nội vừa gửi tới tỉnh Hải Dương số tiền 2 tỷ đồng và 5 vạn khẩu trang y tế để chia sẻ một phần khó khăn, góp sức cùng tỉnh Hải Dương phòng chống dịch.
Trong thư chia sẻ với Hải Dương, Bí thư Vương Đình Huệ cho biết, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo ngành công thương kết nối cung cầu, hỗ trợ tối đa để tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, nhất là nông sản của Hải Dương trên địa bàn Hà Nội. Đồng thời, TP cũng sẵn sàng cả về thiết bị, bác sỹ, nhân viên y tế hỗ trợ tăng cường năng lực xét nghiệm Covid-19 và các yêu cầu khác của Hải Dương trong phòng, chống dịch.
Trong khi đó, một đồng nghiệp của tôi tại Hà Nội đang cùng bạn bè chung tay kêu gọi "giải cứu" nông sản cho bà con nông dân Hải Dương. Quả thực, với quy mô sản xuất lớn, lượng hàng hóa tồn đọng lên tới hàng chục nghìn tấn, nếu không thể lưu thông sẽ gây thiệt hại khó đong đếm.
Thông tin tích cực là theo ông Vũ Việt Anh, Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương cho biết, thời điểm mới xuất hiện ổ dịch, xe nông sản gặp khó trong vấn đề lưu thông, thương lái e ngại đến Hải Dương thu mua nông sản. Thế nhưng sau đó, tỉnh đã nhờ sự hỗ trợ của các bộ ngành, kết nối tiêu thụ nông sản, hướng dẫn cung đường đi để tránh ùn tắc, đảm bảo phòng dịch Covid-19.
Thực tế cho thấy, để giải quyết được vấn đề ùn ứ, ách tắc, nỗ lực "giải cứu" của các cá nhân, tổ chức là đáng ghi nhận, nhưng điều quan trọng nhất vẫn cần phải có sự chỉ đạo, vào cuộc tích cực, rốt ráo của cơ quan chức năng.
Nói cho cùng thì sản xuất trên quy mô lớn thì tiêu thụ, giải quyết đầu ra cũng phải theo quy mô, cách thức tương ứng mới giải phóng được hàng hóa một cách hiệu quả.
Vấn đề của Hải Dương cũng như với các địa phương có dịch khác không chỉ nằm ở các nông hộ mà còn liên quan đến cả hoạt động sản xuất kinh doanh ở các đơn vị, doanh nghiệp.
Chúng ta biết, Hải Dương thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, ngoài nông nghiệp còn đang trên đà phát triển mạnh về công nghiệp, quy mô kinh tế và thu nhập bình quân đầu người đều đứng "hàng tốp" trong cả nước.
Thế nên, với những địa phương này, nếu kinh tế bị đình trệ không chỉ ảnh hưởng tới nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn mà còn có hệ lụy tới những địa phương khác. Đề phòng, thận trọng với sự lây lan Covid-19 là rất tốt, rất cần, nhưng đến mức "ngăn sông cấm chợ" là lợi bất cập hại.
Thực tế, chung tay giúp đỡ Hải Dương không đơn thuần là "giải cứu" người dân Hải Dương mà cũng chính là đang giúp chính mình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 đã nhấn mạnh: "Chúng ta phải tiếp tục điều hành vĩ mô tốt, ổn định, tạo niềm tin cả kinh tế và y tế"
Truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hồi đầu tháng 2 này cũng cho hay: "Tinh thần là dứt khoát không ngăn sông cấm chợ".
Lúc đó, TP. Chí Linh (Hải Dương) là "điểm nóng" Covid-19 và Chính phủ giữ vững quan điểm: mặc dù bị phong tỏa nhưng hàng hóa của Chí Linh vẫn được ra vào và phải có biện pháp phòng dịch.
"Lái xe ra vào phải có kiểm soát. Hàng hóa, nông sản, thực phẩm của bà con Hải Dương được vận chuyển qua địa phận Hải Phòng, Quảng Ninh hoặc tiêu thụ trong địa bàn tỉnh nhưng phải phòng, chống dịch chứ không cấm xe qua lại. Chúng ta không chủ quan khinh suất nhưng cũng không làm quá phức tạp tình hình vì cả nước vẫn phải thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch hiệu quả nhưng vẫn phải thúc đẩy phát triển, khôi phục sản xuất, phát triển xã hội".
Nói cách khác, việc chống dịch song song với duy trì, tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế tuy là khó khăn, nhưng là một chính sách đúng đắn. Kiểm soát được dịch mới yên ổn để làm ăn, đồng thời kinh tế vững vàng mới ổn định xã hội.
Và người viết cho rằng, chính trong khó khăn như vậy mới là lúc lãnh đạo các địa phương thể hiện bản lĩnh, năng lực, sự sáng tạo để xoay chuyển tình hình, đảm bảo lợi ích cho nhân dân.