Gáo nước lạnh dội lên lòng dũng cảm của những người chống tiêu cực!

(Dân trí) - Tác giả Nguyễn Hành qua 2 bài báo trên Dân trí được đăng tải gần đây đã kể lại câu chuyện đòi công lý và minh oan cho bản thân của một người phụ nữ tên Lê Thị Mỹ Chi trong cuộc hành trình 10 năm đầy chua chát.

m_cong-ly.jpg

 

 

Năm 2005, cô Mỹ Chi được Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Kiên Giang nhận vào làm hợp đồng, với nhiệm vụ là thủ quỹ cơ quan. Đến 4/2007, cô Chi được Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang bổ nhiệm ngạch kế toán viên trung cấp, nhiệm vụ làm thủ quỹ Trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc Sở GD-ĐT Kiên Giang.

Cô Mỹ Chi làm việc đến 9/2008 thì phát hiện kế toán và Ban giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Kiên Giang có dấu hiệu sai phạm liên quan đến tài chính nên đã có đơn phản ánh đến Công an Kinh tế và nhiều cơ quan khác của tỉnh Kiên Giang. Tháng 6/2009, thanh tra Sở Tài chính Kiên Giang có quyết định thanh tra tài chính tại Trung tâm này.

Tưởng chừng như sẽ có một cái kết có hậu, gieo niềm tin của con người vào công lý, vào nhân – quả, rằng “ở hiền gặp lành”, “lẽ phải luôn giành chiến thắng”. Thế nhưng, một điều không thể ngờ đã xảy đến với cô Chi khi “người tố cáo suýt thành bị cáo”.

Với số tiền bị phát hiện sai phạm gần 700 triệu đồng, “có dấu hiệu tội phạm” nhưng vụ việc không bị khởi tố xử lý hình sự mà được giao cho Thanh tra Sở Tài chính xử lý hành chính.

Bản thân cô Chi bị kết luận là rút tiền mặt tại kho bạc về không nhập quỹ 70 triệu đồng; mất quỹ tiền mặt 609.258 đồng và bị cho nghỉ việc một cách chóng vánh.

Vấn đề là người thủ quỹ này không hề tư túi số tiền 70 triệu đồng kia: Năm 2006, số tiền 70 triệu đồng rút về không vào sổ quỹ nhưng có chi ra và số chi này của năm 2006 được cấn trừ vào số thu của các năm sau. Cuối cùng, cân đối chung thì phần thu 70 triệu đồng không nhập quỹ. Việc quyết định cho cô Chi nghỉ việc hay không thuộc thẩm quyền của Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang nhưng Giám đốc Trung tâm GDTX được cho là “quá nôn nóng” nên đã quyết định thay.

Điều này khiến bản thân cô Chi và công chúng không khỏi băn khoăn về những khuất tất ẩn sau vụ việc. Gần 10 năm qua, người phụ nữ này đã phải ôm đơn đi khiếu nại, khiếu kiện khắp nơi để đòi lại sự công bằng và hiện đơn thư đã được gửi đến TAND tối cao.

Sự kiên trì, nhẫn nại và quyết liệt của Lê Thị Mỹ Chi khiến nhiều người không khỏi thán phục mà cũng đầy… ái ngại. Nhiều độc giả bình luận rằng, “con kiến mà kiện củ khoai”, làm sao một người “thấp cổ bé họng”, một cựu thủ quỹ nhỏ bé như cô thì có tiếng nói?

Nhưng phải nhìn vào cuộc đời bi đát của người phụ nữ ấy mới hiểu được động lực vì sao cô Chi quyết không buông xuôi số phận, vẫn theo đuổi khiếu nại đến cùng. Bởi, trong suốt nhiều năm qua, một người đứng ra tố cáo tiêu cực như cô lại phải hứng chịu lời đám tiếu “bị cơ quan cho nghỉ việc vì tư túi số tiền 70 triệu đồng” và đến nỗi, đẩy vợ chồng cô phải li hôn.

“Hiện cô sống một mình, tự làm nuôi thân, cuộc sống khó khăn nhưng cô vẫn nuôi hy vọng được ngành chức năng xem xét lại vụ việc, sớm gột rửa tội “tham ô” 70 triệu đồng mà cô chẳng hề bỏ túi đồng nào”. Chi tiết ấy trong bài viết của tác giả Nguyễn Hành khiến người viết không khỏi nhói lòng.

Trong khi đó, xét về lý, Luật sư Đường Văn Tấn – Đoàn Luật sư Kiên Giang đã chỉ ra rất rành mạch: “Là phiên tòa lao động nhưng trong hai bản án tôi tìm mãi chẳng thấy HĐXX căn cứ vào một điều khoản nào trong bộ Luật Lao động để xét xử vụ việc của cô Mỹ Chi”. Ông Tấn khẳng định, “với trường hợp của cô Mỹ Chi thì không đủ cơ sở để  Sở GD-ĐT ra quyết định sa thải cô Chi. Thế nhưng hai bản án đều khẳng định quyết định của giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang cho cô Chi nghỉ việc là đúng?”

Do vậy, hy vọng tới đây TAND tối cao sẽ xem xét lại vụ việc của cô Mỹ Chi một cách thận trọng, thấu tình đạt lý. Kết luận của TAND tối cao không chỉ quyết định đến danh dự một con người, không chỉ là chuyện đời một người phụ nữ, mà còn là tiếng nói của công lý và lẽ phải!

 

Bích Diệp