Đường sắt trên cao, liệu có thêm một lần lỡ hẹn?

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Nếu chọn một dự án gây nhiều nhức nhối nhất trong nhiều năm gần đây, có lẽ không ít người không ngần ngại mà "phong vương" cho tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Đường sắt trên cao, liệu có thêm một lần lỡ hẹn? - 1

Thế mà vừa qua, các chuyên gia tư vấn Pháp lại tiếp tục "tuýt còi" Tổng thầu Trung Quốc. Cụ thể, tư vấn Pháp đưa ra tình huống đoàn tàu đang chạy xảy ra cháy ở giữa tàu để đơn vị vận hành xử lý.

Đối với trường hợp này, phía Tổng thầu Trung Quốc cho rằng lực lượng vận hành không được bấm nút để bơm khí tươi vào tàu vì khi tàu cháy mà bơm khí tươi vào sẽ làm ngọn lửa bùng cháy thêm.

Tuy nhiên, tư vấn Pháp không chấp nhận và yêu cầu khi xảy ra cháy trên tàu, lực lượng vận hành phải bơm khí tươi vào để giữ khí thở cho khách. 

Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng các chuyên gia Pháp tôn trọng con người (hành khách), còn tổng thầu tại dự án Cát Linh - Hà Đông lại quan tâm đến giữ an toàn cho phương tiện.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng đây là ý kiến không có cơ sở.

"Về nguyên tắc, việc vận hành phải tuân thủ quy trình chặt chẽ để đảm bảo an toàn khai thác, an toàn cho hành khách và phương tiện, chứ không phải là quan tâm tới con người hơn hay phương tiện hơn." - Thứ trưởng Đông khẳng định.

Việc xử lý về kỹ thuật, đây là lĩnh vực chuyên ngành, cần có ý kiến của các chuyên gia nên người viết bài này cũng không thể có ý kiến mà chỉ thấy lo ngại, đó là hoàn toàn có thể thêm một lần nữa, tuyến đường này lại lỡ hẹn sau gần chục lần lỡ hẹn.

Cách đây 6 tháng (6.2020), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra "tối hậu thư" cho Bộ GTVT và TP Hà Nội tập trung giải quyết dứt điểm Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông để đưa vào khai thác vận hành trong năm 2020. 

Đây cũng không phải là lần đầu tiên Chính phủ đưa ra yêu cầu bởi tuyến đường này từng được ví như "một con lươn chết" vắt ngang Thủ đô Hà Nội nhiều năm qua với đủ các kỉ lục buồn như: Đội vốn, trễ hẹn, tai nạn, gây ách tắc giao thông…

Cách đây 2 tháng, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ (ngày 28.10), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết cố gắng tối đa để đưa dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Thế nhưng chỉ còn hơn 1 tháng nữa (dự kiến từ 20-28/1/2021), Đại hội Đảng toàn quốc sẽ khai mạc, không biết lời cam kết của Bộ trưởng Thể có thành hiện thực?

Cho nên vẫn một cảm giác lo  lắng, chán nản và mong ước ngày dự án này đi vào hoạt động, chấm dứt một biểu tượng buồn của Thủ đô Hà Nội.

Đường sắt trên cao, xin đừng thêm một lần lỡ hẹn?