Được mùa hay thất bát, người thua thiệt vẫn là nông dân

(Dân trí) - Dù chưa đến chính vụ nhưng theo phản ánh trên tờ Tuổi trẻ ngày 31/5, vải Lục Ngạn đầu mùa đã liên tục rớt giá, chỉ còn 6.000-8.000 đồng/kg. So với năm ngoái, giá vải chỉ bằng 1/3, 1/4.

Được mùa hay thất bát, người thua thiệt vẫn là nông dân - 1

Nguyên nhân giá vải xuống thấp được cho biết do vải được mùa dẫn đến số lượng lớn. Đến thời điểm cuối tháng 5 vẫn chưa có thương lái Trung Quốc tới mua, trong khi thị trường tiêu thụ vải ở trong nước có hạn.

Thậm chí mới đây còn rộ lên thông tin do giá vải ở Bắc Giang thấp kỷ lục, 3 kg vải mà chỉ 10.000 đồng khiến dân đổ vải xuống sông…

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã phải lên tiếng trấn an. Vị lãnh đạo này cho biết, đó là hiện tượng cá biệt, nhỏ lẻ, thiếu chính xác, chưa phản ánh đầy đủ về tình hình sản xuất và tiêu thụ vải thiều.

Vải có đặc điểm là lúc chín sẽ chín đồng loạt, được thu hoạch thành chùm và không thể để lâu. Chỉ một trận mưa, lập tức sẽ bị nứt và sâu đầu. Chính vì vậy, người nông dân trồng vải rất dễ bị thương lái ép giá. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều loại nông sản ở ta.

Một thông tin được phóng viên Dân trí khảo sát và đưa tin cũng trong ngày 31/5 đó là mặc dù vải được bán tại vườn hoặc bán tại một số chợ đầu mối với giá rất rẻ như trên thì trong các kệ siêu thị và cửa hàng bán hoa quả sạch, giá vải vẫn cao. Giá vải chín sớm ở những kênh tiêu thụ này lên tới 60.000-70.000 đồng/kg, thậm chí có nơi lên đến 120.000 đồng/kg.

Vậy là sau vị ngọt của những quả vải đỏ chín đầu mùa vẫn là câu chuyện đầy “đắng chát” của người nông dân.

“Năm nay thì 6.000 - 8.000 đồng/kg, cứ đà này chúng tôi không đủ tiền phân bón, chăm sóc. Nếu độ nửa tháng nữa, khi vải bước vào thu chính vụ mà sức mua chậm, số lượng xuất khẩu mà ít... thì giá có lẽ còn rẻ nữa, có khi xuống tới mức 2.000 - 4.000 đồng/kg. Như vài năm về trước giá vải rớt xuống ‘đáy’, thì người nông dân không chỉ buồn mà còn... khóc vì thua lỗ!” – lời bà Hồ Thị Thanh (thôn An Phú, xã Mỹ An) giãi bày cùng báo chí.

Sự chênh lệch quá lớn giữa mức giá vải sạch mà người tiêu dùng cuối cùng phải chi trả và giá mà người nông dân bán ra là quá lớn, lên đến cả chục lần. Thực tế đáng suy nghĩ này có lẽ là điều mà các vị lãnh đạo trong ngành công thương, nông nghiệp cần chú tâm đến nhiều hơn.

Việc lãnh đạo tỉnh Bắc Giang lên tiếng trước tin đồn “đổ vải xuống sông” như vừa qua là cần thiết, nhưng cũng chỉ là phản ứng mang tính nhất thời, sự vụ mà mà thôi. Cái người nông dân cần là một chiến lược dài hơi, là những cam kết bền lâu thu mua vải, chứ không phải cứ đến mùa lại thấp thỏm chờ người đến mặc cả ép giá từng đồng.

Nhìn lại câu chuyện về quả vải bao năm qua, vẫn luôn là một điệp khúc “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”, cái bài ca đến những người viết báo cũng cảm thấy rất nhàm mà không thể không nhắc đi nhắc lại.

Mới năm ngoái, một số địa phương hồ hởi thông tin có vài chục tấn vải được xuất sang Nhật, EU, Dubai, Úc… Tờ Nông nghiệp Việt Nam cùng thời gian này năm ngoái thông tin, ở Nhật Bản, 12 quả vải thiều được bán với giá 430.000 đồng. Nhiều vị lãnh đạo còn cho biết đã tích cực đi tiếp thị vải cho địa phương mình.

Thế nhưng, những thành quả bước đầu đó có lẽ còn quá khiêm tốn. Mục đích cuối cùng là bảo vệ lợi ích người nông dân, mang lại thu nhập ổn định cho họ để họ không còn phải li hương, li nông nữa… vẫn còn bao ngổn ngang. Cho đến thời điểm hiện tại, thành bại của vụ vải năm nay vẫn còn phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc quá nhiều.

Liệu rằng vài ngày nữa có lại vang lên những lời hiệu triệu giải cứu vải như bao nhiêu nông sản khác? Vải ngon thế và bao nhiêu món ngon có thể làm từ vải, vậy mà sao người nông dân vẫn chưa hết cảnh loay hoay tiêu thụ vải khi vào mùa?

Bích Diệp