Đúng! Vỗ tay!

(Dân trí) - Cuối năm, người người báo cáo, nhà nhà báo cáo, ngành ngành báo cáo. Những bản báo cáo dài như sông Thao, ngọt ngào như sông Thương, sông Cầu và “sao giống nhau đến thế!”. PV BLOG phỏng vấn một “nhà sản xuất” báo cáo chuyên nghiệp.

Đúng! Vỗ tay! - 1
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Thưa Nhà sản xuất báo cáo chuyên nghiệp, xin anh cho biết bí quyết để tăng năng suất lao động…?

Cậu hỏi như vậy là vô lễ, là thiếu tôn trọng người trả lời phỏng vấn đấy nhé. Phải gọi ta cho đầy đủ, Nhà sản xuất báo cáo chuyên nghiệp công nghệ cao.

Dạ vâng, thưa Nhà sản xuất báo cáo chuyên nghiệp công nghệ cao?

Bí quyết ư? Rất đơn giản. Trước hết, cậu phải học thuộc lòng bản báo cáo “kinh điển” gồm các bước sau đây. Bước một là phần Kính thưa. Cậu phải nêu đủ tên tuổi, chức danh một loạt các vị quan khách to nhỏ, thậm chí chỉ là những người có liên quan nhưng lại có quyền quan trọng trong một quyết định rất quan trọng về ngân sách. Nếu cậu quên bất cứ một vị nào hay quên bất cứ một chức danh nào dù nhỏ nhất, coi như là bản báo cáo của cậu vứt vào sọt rác.

Bước thứ hai, cậu phải nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà cơ quan đã đạt được, dù thành tích đó nhỏ như que tăm, con kiến và đặc biệt là phải biết vơ vào những thành tích mà thật ra việc tham gia chỉ có ý nghĩa tượng trưng.

Em không hiểu…?

Có gì mà không hiểu. Hãy ví dụ như việc xuât khẩu được 1 triệu tấn gạo chẳng hạn, sẽ có rất nhiều cơ quan có đóng góp như Bộ NN&PTNN, Bộ Công Thương, Bộ KH&CN, Bộ TN&MT… Thậm chí, Bộ GD&ĐT hay Bộ GT-VT cũng có đóng góp vì một Bộ thì nâng cao trình độ canh tác cho nông dân còn một Bộ thì tạo điều kiện thuận tiện để vận tải hàng hóa ra nước ngoài.

Dạ, em hiểu, em hiểu. Cái này dân gian gọi là “dây máu ăn phần” đấy ạ?

Đúng thế nhưng không được nói trắng ra như thế và như thế vẫn chưa đủ. Bước này dứt khoát phải có đoạn đại loại là năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn như thiên tai, lạm phát, kinh tế suy thoái… nhưng nhờ sự chỉ đạo sáng suốt, sát sao, tận tình và bằng nỗ lực, chúng ta vẫn vượt qua ngoạn mục, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Dạ. Thế bước ba ạ?

Thế thành công là do đâu? Do các cậu tất cả đấy hả? Đừng có mà vô ơn nhé. Vì vậy, bước ba cực kỳ quan trọng và dứt khoát phải có đoạn tri ân đại loại là để có được những thành công to lớn đó là do đã quán triệt đường lối, chủ trương dưới sự quan tâm chỉ đạo, sự giúp đỡ, ủng hộ của lãnh đạo các ban ngành… Quên câu này, năm sau thì nhớ là ăn mắm đấy.

Dạ, đúng, đúng ạ…

Bước thứ tư, đó là nhiệm vụ năm tới. Phần này bao giờ cũng có kết cấu như sau: Phát huy thành tích đã đặt được của năm qua, năm tới, nhiệm vụ của chúng ta rất khó khăn, nặng nề nhưng bằng nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân viên chức toàn cơ quan cùng với việc tiếp tục quán triệt đường lối, chủ trương, tranh thủ sự chỉ đạo… chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao. Hay chưa?

Dạ, bản báo cáo của bác thì hay rồi nhưng nó vẫn thiêu thiếu cái gì đó…?

Cái cậu này, đây là bản chuẩn, tức là bản “kinh điển”, còn phải thêm “phụ gia” vào nữa chứ.

Nghĩa là…!

Nghĩa là phải có phần đặc trưng. Ví dụ như ngành kiểm lâm chẳng hạn. Cậu phải thêm vào đoạn như “đặc điểrm của ngành là địa bàn rộng, núi đồi hiểm trở, lực lượng mỏng, bọn lâm tặc thì quỷ quyệt vân vân và vân vân”.

Thế còn những khuyết diểm, ví như vụ xe đổ lộ mặt kiểm lâm là lâm tặc ở Nghệ An vừa qua, chả lẽ cũng giấu biến…?

Cậu ngây thơ thật đấy. Có nhắc. Báo cáo là phải trung thực. Bí quyết ở đây là nhắc mà như không nhắc. Muốn vậy, cậu hãy nhắc rất chung chung, kiên quyết không được nói cụ thể. Ví dụ như ở “Phần tuy nhiên”, cậu sẽ viết: Tuy nhiên, chúng ta vẫn không tránh khỏi những thiếu sót, khuyết điểm như từng lúc, từng nơi, từng thời điểm đã có một vài biểu hiện (nhớ chỉ là MỘT VÀI BIỂU HIỆN thôi nhé) tiêu cực. Tuy nhiên (lại vẫn phải “tuy nhiên” dù có hơi trùng lặp), đó chỉ là một bộ phận nhỏ, rất nhỏ, một vài “Con sâu (chứ không phải bầy sâu) làm rầu nồi canh”. Chúng ta thẳng thắn nhận khuyết điểm và kiên quyết tìm biện pháp khắc phục. Bước cuối cùng là “Chào thân ái và quyết thắng”.

Và vỗ tay chứ ạ?

Đúng! Vỗ tay.

Xin cám ơn bác về những bí quyết quý báu này.

Bạn đọc thân mến, theo bạn thì có nhiều loại báo cáo kiểu này không và vì sao nó vẫn tồn tại dù ai cũng biết là nó vô cùng… “kinh điển”!?

Bùi