Đừng nhân danh thầy cô mà làm bậy!

(Dân trí) - Một vụ việc xảy ra tại An Giang cách đây ít ngày khiến dư luận không khỏi bàng hoàng: M.T - một nữ sinh lớp 7 phản ánh bị thầy giáo chủ nhiệm đánh đến mức… vẹo cột sống.

 

m_danh-phat.jpg

Lý do bị đánh được cho là vì em không thuộc bài và từ chối làm tổ trưởng môn địa lý. Em bị thầy T. kêu lên bảng đứng chịu phát đánh 100 roi. Khi thầy T. đánh khoảng 10 roi thì em T. đau và khóc nên các bạn trong lớp xin chịu số roi còn lại.

Giữa lúc đang xôn xao về những vụ bạo hành trẻ em, bạo lực học đường xảy ra liên tiếp ở nhiều cấp học thì vụ việc lần này càng đổ đầy “cốc nước”  bức xúc của công chúng đối với những bất cập, tồn đọng trong ngành giáo dục, vốn đã chực “tràn ly”.

Đành rằng vẫn còn không ít nhà giáo cũng như các bậc phụ huynh có quan niệm “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, thế nhưng, hầu hết chuyên gia giáo dục đều không ủng hộ phương pháp giáo dục này.

Nhà trường, lớp học là nơi mà trẻ dành phần lớn thời gian trong ngày để trải nghiệm cuộc sống, để học hỏi, trưởng thành. Đó không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức, rèn luyện thể chất mà còn bồi đắp tâm hồn, nhân cách, đạo đức cho trẻ để trở thành một công dân có ích cho xã hội về sau.

Do đó, nếu mỗi ngày đến trường, trẻ luôn ám ảnh về đòn roi và sự hà khắc của người lớn thì làm sao trẻ có thể phát triển bình thường? Có cha mẹ nào yên tâm nổi khi gửi gắm trẻ cho nhà trường giáo dục con em mình khi tuổi thơ con là những chuỗi ngày nơm nớp sống trong lo sợ?

Nên nhớ rằng, bạo lực có thể khiến trẻ sợ hãi mà tuân theo mệnh lệnh của cô thầy, nhưng việc coi bạo lực là phương pháp giải quyết vấn đề, về lâu dài sẽ làm méo mó nhận thức của trẻ, có thể sẽ khiến trẻ trở nên tự ti hoặc hung hãn.

Chưa kể, không có luật pháp nào có phép thầy cô hay bất cứ người lớn nào được xâm hại con trẻ về mặt thể xác cũng như tinh thần! Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, chẳng những là trách nhiệm cộng đồng mà còn được nêu rõ trong luật. Bạo hành con trẻ là hành vi phi giáo dục, phi đạo đức và còn là đi ngược với luật pháp.

Thông tin mới nhất cho hay, giáo viên này đã bị đình chỉ và đang đối mặt với mức kỷ luật cảnh cáo, chuyển nơi công tác. 

Trong khi đó, em M.T có thông tin với một số báo rằng, từ đầu năm thầy Lê Trường T., giáo viên chủ nhiệm lớp 7A3 đã đặt ra nội quy nếu học sinh không thuộc bài sẽ bị đánh từ 2 - 3 cây roi. Học sinh nào làm tổ trưởng, phó, lớp trưởng, lớp phó sẽ bị đánh từ 20 -30 roi. Còn nếu từ chức thì bị đánh 40 roi. Nếu quả đúng như vậy thì chẳng những thầy T. mà nhà trường còn phải xem lại phương thức giáo dục của mình.

Đừng nhân danh người thầy mà làm những điều phản giáo dục, phi đạo đức. Nếu đã không thể kiên nhẫn và bao dung với học trò thì tốt nhất đừng tiếp tục đi theo con đường giáo dục. Việc “đình chỉ” rồi “cảnh cáo”, “chuyển nơi công tác” theo đó, rất khó để gia đình phụ huynh thông cảm và để công luận đồng tình.

Tuy nhiên, vụ việc này vẫn còn những vấn đề cần làm rõ, bắt buộc phải làm rõ (xin nhấn mạnh)! Rằng có đúng thầy giáo thường xuyên đánh học sinh không, rằng nguyên nhân khiến nữ sinh “vẹo cột sống” có phải do 10 roi của thầy giáo chủ nhiệm hay không? Phải trả lời được mối băn khoăn: vì sao nữ sinh M.T. bị thầy T. đánh từ ngày 19/1 nhưng hơn 1 tháng sau (20/2) em mới bị đau và gia đình đưa em lên bệnh viện tại TPHCM khám và kết luật bị vẹo cột sống?

Nếu học sinh bị vẹo cột sống vì thầy giáo đánh thì không thể có chuyện chỉ “cảnh cáo”, “chuyển nơi công tác” một cách đơn giản như vậy. Còn nếu sự thật như lời hiệu trưởng khẳng định rằng thầy T. “hòa đồng thân thiện với học sinh” thì cũng cần trả lại danh dự cho một người thầy.

 

Bích Diệp