Đừng mang tư duy "làm nhà theo giai đoạn" để xây dựng cao tốc Bắc - Nam

Bùi Quốc Hoàn

(Dân trí) - Hôm nay đọc tin Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, tôi vừa mừng vừa lo, nhưng lo nhiều hơn.

Tôi nhớ ngày xưa, kinh tế eo hẹp, các cụ hay có cái vụ xây nhà theo giai đoạn. Đầu tiên xây cái móng, vài năm sau xây tiếp cái tầng 1 nhưng để thô, tường ngấm nước đến nỗi rêu phong, nấm mốc loang lổ tứ bề; rồi cứ thể  vào ở, ở thêm cả chục năm mới tô trát, hoàn thiện rồi lại tiếp diễn cái tầng 2. Tại sao vậy? Chủ yếu là các cụ sợ vay nợ. Thôi thì có sao làm thế. Ăn chắc mặc bền. Thế nên nhiều gia đình xây xong cái nhà hai tầng mất 20 năm. Đến lúc xây xong nhà thì cũng tính xây mộ cho mình là vừa.

Tư duy xây nhà theo giai đoạn tồn tại ở các hộ gia đình vùng nông thôn thì là một lẽ, nhưng điều tôi không hiểu là tại sao đến giờ, kiểu làm đó vẫn áp dụng ở tầm vĩ mô. Như câu chuyện xây đường cao tốc Bắc Nam mà chúng ta đã làm 11 năm nay và sẽ còn tiếp tục làm, ít nhất là tới 2025, kể từ khi Quy hoạch chi tiết Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Thủ tướng Chính phủ công bố năm 2010.

Ở Hàn Quốc, thời Tổng thống Park Chung Hee, nhận ra yếu tố giao thông thuận lợi sẽ quyết định vấn đề chính yếu trong phát triển kinh tế, ông Park đã gọi các tập đoàn lớn lên nói chuyện và đề nghị họ cùng nhận thầu xây một lần tuyến cao tốc Seoul - Busan. Tôi xin nhấn mạnh lại một lần nữa: là xây một lần - với nền kinh tế mới chỉ đang có GDP đầu người khoảng 250 USD mỗi năm. Tháng 2/1968, tuyến cao tốc Seoul - Busan bắt đầu khởi công, chia thành 6 đoạn, với tổng chiều dài 410km, đoạn cuối cùng hoàn thành vào tháng 7/1970, tức là chỉ hơn 2 năm. Ban đầu tuyến cao tốc này được xây dựng với 4 làn. Nhưng đến năm 1987 đã mở thành 6 làn. Cho đến năm 1996 thì nâng cấp lên 8 đến 10 làn, trở thành tuyến cao tốc số 1 và cũng là tuyến cao tốc quan trọng nhất của Hàn Quốc. Chính từ tuyến cao tốc này, kinh tế Hàn Quốc bắt đầu có đà đi lên với tốc độ thần kỳ, biến họ thành quốc gia phát triển như hôm nay.

Nhìn qua Trung Quốc, khi họ bắt đầu xây dựng hệ thống cao tốc đồ sộ của họ, có một quan điểm đưa ra thành khẩu hiệu, thành hòn đá tảng trong lý luận, rằng "Đường tới đâu, phát triển kinh tế tới đó". Gần 20 năm qua, Trung Quốc đã kết nối toàn bộ các thành phố đông dân của họ, từ các thành phố chỉ vài trăm ngàn dân tới các Siêu đô thị bằng hệ thống đường cao tốc đồ sộ, thẳng tắp và thênh thang, gặp núi đào hầm, gặp vực sâu thì làm cầu vượt. Không uốn éo, không ngoằn ngòeo, không chia giai đoạn. 

Họ làm một lần, cho tầm nhìn tới 30 năm sau…

Những ai đã đi Trung Quốc nhiều sẽ thấy hệ thống đường cao tốc và đường sắt cao tốc của họ ghê gớm tới mức nào. Họ vượt mặt Mỹ, vượt mặt tất các quốc gia còn lại trên thế giới về hệ thống giao thông. Kể từ năm 1988 đến nay, Trung Quốc đã có 160.000 km đường cao tốc, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Trở lại đất nước ta. Câu chuyện đường cao tốc Bắc Nam không chỉ hiện tại mới nói đến mạnh mẽ. Thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải, hai nhà lãnh đạo này đã nhận ra được vấn đề và đã rất nhiều lần kêu gọi xây dựng Cao tốc Bắc Nam, nhưng lần nào ra Quốc Hội cũng bàn ra bàn vào.

Hậu quả như thế nào thì hôm nay chúng ta đã thấy, càng ngày áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông công cộng và hệ thống logistics càng ngày càng lớn. Ách tắc chính là hệ quả của sự yếu kém về hạ tầng giao thông, là vấn đề đẩy giá cước vận tải, nạn mãi lộ, tai nạn giao thông càng ngày càng trầm trọng, chưa kể các hệ lụy nghiêm trọng khiến nền kinh tế các địa phương chậm phát triển.

Câu chuyện đường Cao tốc Bắc Nam phía Đông mãi tới sau đời Thủ tướng Phan Văn Khải mới được coi là vấn đề hệ trọng, được đẩy nhanh và được đưa vào Nghị quyết năm 2010. Nhưng so với Hàn Quốc và Trung Quốc từ thời cách đây 30-40 năm, thì cái gọi là "đẩy nhanh" của chúng ta vẫn còn chậm.

Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Bắc - Nam dài phía Đông 1811 km, có điểm đầu từ Pháp Vân (Hà Nội) và điểm cuối là thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên, quy hoạch hệ thống đường bộ năm 2021-2030 đã điều chỉnh lại, theo đó, cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.063 km, có điểm đầu từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) và điểm cuối là TP. Cà Mau, theo đó, gộp 2 tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau  vào quy hoạch cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Việc thực hiện xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam được chia thành nhiều dự án nhỏ, thực hiện trong nhiều năm, với nhiều dự án bị chậm tiến độ nghiêm trọng. So sánh với Hàn Quốc của những năm 1960 - 1970 và của Trung Quốc mấy chục năm trước, mới thấy việc xây đường theo giai đoạn và kéo dài trong nhiều năm của chúng ta thật đáng quan ngại.

Dĩ nhiên, ai mà chẳng hiểu giao thông quan trọng như thế nào với sự phát triển của nền kinh tế mỗi quốc gia. Nhưng vì sao mà chuyện ai cũng biết, ai cũng hiểu, nhưng hầu hết đều sợ không dám làm? 

Chính là vì sợ tăng nợ công, vì tư duy "làm nhà theo giai đoạn" như tôi đã đề cập ở trên, mà không ai tính ra cái ĐƯỢC lớn hơn cực kỳ nhiều cái MẤT do yếu kém về hạ tầng giao thông, từ vĩ mô cho tới cơ sở...

Nhiều người nói "hãy nhìn tuyến đường Hồ Chí minh mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định làm thập niên 2000, để bao nhiêu năm vắng xe cộ, không có người đi", tôi chỉ cười... Chắc họ không biết, đường Hồ Chí Minh cách đây 5-7 năm và bây giờ đã quá tải, ách tắc là chuyện xảy ra như cơm bữa. Và nếu không có đường Hồ Chí Minh, người dân phía Tây Việt Nam chắc mãi mãi không bao giờ biết chiếc xe máy hay ô tô là như thế nào... Đời Thủ tướng Võ Văn Kiệt có hai công trình gây tranh cãi là dự án đường Hồ Chí  Minh và đường dây 500KW Bắc - Nam. Nhưng nếu bây giờ đưa hai dự án đó ra để đánh giá lại hiệu quả của nó với nền kinh tế, tôi đoán những người đã từng lên án hai dự án này đều sẽ phải im lặng.

Vậy nên tôi cho rằng Việt Nam nên tổng lực xây tuyến Cao tốc Bắc Nam càng sớm càng tốt và thậm chí, đừng bàn tới cao tốc 4 làn. Hãy bắt đầu từ  6- 8 làn. Không thì chỉ vài năm là lại ách tắc quá tải tiếp, lại tốn tiền mở rộng, lại giải phóng mặt bằng và giải tỏa lấn chiếm. 

Đành rằng muốn tổng lực xây cao tốc trong một vài năm thì sẽ phải vay nhiều, nhưng thà vay nhiều mà sử dụng đúng còn không đáng sợ bằng vay ít mà tiêu pha bừa bãi. Điện, đường, cảng biển là cái không sợ thừa, chỉ sợ không đồng bộ. Và nếu cứ sợ mà không bắt đầu từ những con đường, thì không biết bao giờ mới có thêm cảng biển, sân bay, thêm những đô thị không ùn tắc.

Bùi Quốc Hoàn - Chủ tịch IRB Holdings