Đừng hát mãi bài ca “rút kinh nghiệm”!

(Dân trí) - Đề nghị cần phải có chế tài nghiêm khắc với những “tác giả” của các văn bản này bởi nó tác động rất lớn đến số phận của mỗi cá nhân, sự ổn định của xã hội và làm xấu đi hình ảnh của chính những cơ quan mà cụ thể ở đây là người trực tiếp ký ban hành.

m_chieu-cao.jpg

 

 

Thế là lại thêm một quyết định ký chưa ráo mực đã phải vội vàng dỡ bỏ. Theo báo Dân trí, Trường ĐH Sư phạm TPHCM vừa gỡ bỏ tiêu chí chiều cao 1,5m khỏi đề án tuyển sinh.

Trước đó, trong đề án tuyển sinh dự kiến năm 2019, nhà trường đã công bố quy định với nữ sinh phải cao từ 1,50 m, nam 1,55 m trở lên mới được xét tuyển vào các ngành Sư phạm. Tiêu chí này đã nhận được nhiều ý kiến tranh cãi gay gắt từ dư luận xã hội, luật sư và cả thầy cô giáo cũng như các chuyên gia giáo dục.

Lý do thì nhiều, song tựu chung lại, qui định này không chỉ trái luật còn mang tính phân biệt đối xử.

Trao đổi với PV Dân trí, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, quan điểm của nhà trường là lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhiều chiều từ dư luận và điều chỉnh các điều kiện tuyển sinh cho phù hợp.

Xin hoan nghênh tinh thần biết “lắng nghe, tiếp thu ý kiến” của lãnh đạo Nhà trường.

Song, người viết bài này vẫn không khỏi băn khoăn rằng tại sao càng ngày càng thấy xuất hiện nhiều những văn bản “lạ kỳ” như vậy.

Vừa mới đây thôi, một doanh nghiệp ngành giao thông đã “nhầm vị thế”, cứ “tưởng” mình là cơ quan quản lý nhà nước nên “liều lĩnh” ban hành một quyết định “kỳ quái”, đó là cấm 2 cái xe ô tô vô tri, vô giác được lưu thông trên các tuyến đường do họ xây dựng. Cũng ngay lập tức, quyết định này gặp sự phản đối và bị chính cấp trên của họ bác bỏ.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, đây không phải là văn bản đầu tiên, cũng không phải là văn bản cuối cùng mà nó còn nằm trong số rất nhiều những văn bản trái luật khác đã từng xảy ra.

Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), năm 2018, Cục này tiến hành kiểm tra 5.557 văn bản (648 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ, 4.909 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh), đã phát hiện 84 văn bản sai về thẩm quyền, nội dung.

Tính đến ngày 21/12/2018, đã có 52/84 văn bản được xử lý, 32 văn bản chưa xử lý trong đó có 21 văn bản trong thời hạn xử lý.

Đây là con số rất đáng lo ngại cho quá trình xây dựng một Nhà nước pháp quyền và càng đáng lo ngại hơn, nó chưa có biểu hiện dừng lại.

Để từng bước ngăn chặn tình trạng này, xin một lần nữa đề nghị cần phải có chế tài nghiêm khắc với những “tác giả” của các văn bản này bởi nó tác động rất lớn đến số phận của mỗi cá nhân, sự ổn định của xã hội và làm xấu đi hình ảnh của chính những cơ quan mà cụ thể ở đây là người trực tiếp ký ban hành.

Nếu hát mãi bài ca “rút kinh nghiệm” thì tình trạng này sẽ còn kéo dài không biết bao giờ mới dứt!

 

Bùi Hoàng Tám