Dung dưỡng cho… chụp giật!?

(Dân trí) - Đó là ý kiến của PGS.TS Võ Đại Lược, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Theo TS. Lược thì các chính sách, cách quản lý hiện nay đang dung dưỡng cho các doanh nghiệp làm ăn chụp giật, làm nản lòng những doanh nhân có ý chí xây dựng thương hiệu toàn cầu.

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 

 

Tại cuộc Hội thảo “Bảo vệ thương hiệu quốc gia - Những cơ cở pháp lý”, diễn ra tại TP.Hạ Long vừa qua, nhiều doanh nghiệp, nhà kinh tế và các chính khách tham dự đã chỉ ra các nguyên nhân cơ bản khiến chúng ta chưa có được những thường hiệu toàn cầu.

Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ, các doanh nghiệp làm ăn chân chính hiện đang phải cạnh tranh với các doanh nghiệp làm ăn chụp giật, lừa người tiêu dùng và hiện tượng này đã trở thành phổ biến, nhưng các cơ quan nhà nước bó tay.

Một doanh nhân tâm sự thật thà rằng chính sách không ổn định, thậm chí nhiều khi cũng chụp giật, buộc doanh nghiệp phải chạy theo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu thì cho rằng nguyên nhân chính là do tính cộng đồng của các doanh nghiệp Việt Nam rất yếu, hầu như chưa hợp tác được gì đáng kể.

 

Còn TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc bảo vệ thương hiệu quốc gia cũng giống như việc bảo vệ chủ quyền của tổ quốc, bởi đó không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là hình ảnh của quốc gia trong đó. Thế nhưng hiện nay, những thương hiệu của Việt Nam ở nước ngoài đạt tới độ nhắc tới Việt Nam là khách hàng nghĩ ngay tới thương hiệu đó và ngược lại còn quá ít.

 

Đọc những ý kiến trên, chợt nhớ có lần trò chuyện với một số doanh nhân trẻ Hải Phòng, mình hỏi họ:

-          Các bạn có biết ai là người Nhật Bản đầu tiên đoạt giải Nobel không?

Tất cả im lặng. Mình hỏi tiếp:

-          Trong số 18 nhà văn, nhà thơ và nhà khoa học Nhật đoạt giải Nobel, các bạn có biết tên một người nào không?

Tất cả vẫn im lặng. Mình tiếp:

-          Các bạn có biết ai là thủ tướng Nhật Bản hiện nay không?

Có vài người bàn tán, đưa ra mấy cái tên nhưng tất cả đều sai. Mình hỏi câu cuối cùng:

-          Ở đây có ai không biết các thương hiệu như Toyota, Toshiba, Sony, Honda, Suzuki…

Tất cả vẫn nhao nhao, chứng tỏ… không ai không biết.

 

Mình nói mọi người rằng các bạn thấy không, làm nên sự vẻ vang của nước Nhật hôm nay không phải chỉ là các nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học hay chính khách. Người ta biết đến Nhật Bản bởi các thương hiệu nổi tiếng hay nói cách khác, cờ Nhật Bản tung bay khắp thế giới chính nhờ những thương hiệu nổi tiếng mà người cắm ngọn cờ đó chủ yếu là các doanh nhân.

 

Trở lại với xây dựng thương hiệu Việt, câu hỏi đặt ra là vì sao chúng ta chưa có được những thương hiệu quốc gia mạnh mà nói như TS. Dũng, nhắc đến là biết tới Việt Nam?

Có thể có nhiều nguyên nhân nhưng lý do xác đáng nhất, theo mình là các doanh nghiệp Việt Nam vẫn mang nặng trong mình tư tưởng tiểu nông, mạnh ai nấy làm, thân ai nấy lo… Thậm chí còn triệt hạ lẫn nhau bằng những biện pháp mà nói theo ngôn ngữ hiện nay là “cạnh tranh không lành mạnh”, còn dân gian thì bảo đó là “trò bẩn”.

 

Còn theo các bạn, nguyên nhân từ đâu? Do chính sách “dung dưỡng cho làm ăn chụp giật”, do sự bất lực của cơ quan quản lý, do sự bất tài của doanh nhân, do thiếu sự hợp tác hay do còn nguyên nhân nào khác?

Có lẽ không chỉ các nhà quản lý mà các doanh nghiệp cũng rất muốn nghe ý kiến của chúng ta.

 

Bùi Hoàng Tám

 

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!