Đừng để sai sót của “anh em tham mưu” mà đánh mất một niềm tin lớn!?
(Dân trí) - Đã hơn 10 ngày trôi qua, kể từ khi báo chí phát hiện ra sự tắc trách nghiêm trọng, đó là trong một văn bản, Bộ Tư pháp đã sử dụng số liệu từ 14 năm trước để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội.
Cụ thể, trong báo cáo của Bộ Tư pháp gửi Chính phủ trình Quốc hội ngày 19.7.2019 vừa qua do Bộ trưởng Tư pháp thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng viết: “Thống kê gần đây nhất cho thấy mỗi năm môi trường không khí thành phố Hà Nội phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2”. Đây là những số liệu đã có từ 14 năm trước.
Trên báo Dân trí, hàng trăm bạn đọc đã gửi ý kiến (comment) bày tỏ bức xúc trước sự tắc trách này.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu thừa nhận: “Anh em tham mưu làm sơ suất, không để ý thông tin tờ báo đó đã dẫn lại thông tin từ năm 2005. Bài báo đó cũng không chú thích về việc dẫn nguồn thông tin lấy từ năm 2005 nên anh em sơ suất lại tưởng số liệu mới”. Ông Hiếu nói.
Dù với lý do gì thì cũng không thể nói khác, đây là vụ việc nghiêm trọng bởi dẫu là sơ xuất thì đưa con số từ 14 năm trước cũng là hành vi nói dối Quốc hội, nói dối cử tri.
Tuy nhiên, hình như với một số cán bộ của Bộ Tư pháp thì vụ việc có vẻ… không đáng kể.
Thứ nhất, đã hơn 10 ngày trôi qua vẫn chưa thấy Bộ công khai “anh em tham mưu” là ai? Hình thức kỉ luật sẽ như thế nào? Lý do gì khiến sự việc lại có vẻ “im lặng đáng sợ” như vậy? Có cái mà dân gian gọi “5c, 4 ệ” hay không?
Thứ hai, về cái gọi là Thông cáo Báo chí ngay sau khi sự việc xảy ra, xin ghi nhận sự nhanh chóng, song quả thật người viết bài này không hiểu mục đích của Thông cáo này là gì? Vì sao lại có Thông cáo này? Lý do bởi nội dung cái Thông cáo này rất vòng vo, không một dòng, một chữ nào nói đến sai phạm khiến nó giống như bản báo cáo công việc thường nhật của ngành hơn là Thông cáo Báo chí. Mà nếu là công việc thường nhật, liệu có cần phải ra Thông cáo Báo chí?
Thứ ba, Thông cáo được ủy quyền cho một ông Phó chánh Văn phòng ký. Đây là chức vụ thấp nhất trong quản lý nhà nước tại một Bộ. Chưa bàn đến việc “ủy quyền” đó có đúng qui định pháp luật hay không mà chỉ nhìn cái chức vụ quá “khiêm tốn” của người ký, đã cảm thấy hình như có sự đánh giá chưa đúng mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Trong khi, Bộ Tư pháp là nơi chuyên rà soát các văn bản luật.
Mong rằng một số cán bộ của Bộ Tư pháp nhìn nhận đúng sự việc, cho công khai giải trình và xin lỗi Chính phủ, xin lỗi Quốc hội, xin lỗi cử tri đồng thời công khai danh tính cũng như hình thức xử lý “anh em tham mưu”.
Nếu vì lý do nào đó vẫn chưa nhận ra, với tư cách cử tri, người viết bài này đề nghị Đại biểu Quốc hội trong kỳ họp này lên tiếng giúp.
Công bằng nhìn lại, vừa qua, Bộ Tư pháp nhận được nhiều sự tín nhiệm của cử tri (thông qua kỳ lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội). Xin đừng vì một sai sót của “anh em tham mưu” mà đánh mất một niềm tin lớn!
Bùi Hoàng Tám