Đừng để nơi theo “luật”, nơi theo “lệ” rồi lại… nhờn!

(Dân trí) - Một sự việc dở khóc dở cười đã diễn ra tối ngày 15/1 khi Đội CSGT Công an TP Tam Kỳ (Quảng Nam) ra quân xử phạt lái xe vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019.

Đừng để nơi theo “luật”, nơi theo “lệ” rồi lại… nhờn! - 1

Theo tường thuật của phóng viên Dân trí, khoảng 19h30 ngày 15/1, trên đường Trương Chí Cương, tổ công tác ra hiệu dừng xe máy do ông V.Q.T. (trú TP Tam Kỳ, Quảng Nam) điều khiển để kiểm tra nồng độ cồn thì ông T. bỗng bật khóc nức nở.

Sau khi được lực lượng CSGT động viên, trấn an, người đàn ông này mới giữ được bình tĩnh để lực lượng làm nhiệm vụ tiến hành kiểm tra nồng độ cồn.

Kết quả kiểm tra cho thấy ông T. vi phạm nồng độ cồn 0,501 mg/lít khí thở. Với kết quả trên, ông T. bị phạt 7 triệu đồng, tước bằng sử dụng giấy phép lái xe 23 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày. Ông T. cho biết, chiều cùng ngày ông đi ăn tất niên nhà một người quen và có uống 4 lon bia.

Đúng là với việc uống 4 lon bia mà phải lãnh mức phạt như trên, dễ hiểu vì sao người đàn ông đã không giữ được bình tĩnh mà bật khóc. Nhưng biết sao được, luật là luật và nhiệm vụ của chúng ta là phải chấp hành quy định luật khi đã có hiệu lực trong thực tế.

Hơn nữa, có lẽ ông T. cũng đã biết rõ, việc sử dụng phương tiện giao thông (xe máy) sau khi uống rượu bia, “dính” nồng độ cồn đương nhiên bị phạt nặng, thế nên gặp phải sự kiểm tra của lực lượng CSGT, ông cũng đã phần nào đoán ra kết quả và có biểu hiện tâm lý như trên.

Phải chờ đến gần 2 năm tới mới được trả bằng lái, tôi cho là cá nhân ông T. hẳn đã “chừa tới già” việc lái xe ngay sau khi uống rượu bia. Còn các độc giả, từ câu chuyện của ông T. cùng các trường hợp tương tự cũng rút ra được bài học quý giá cho chính mình.

Xin lưu ý rằng, chỉ riêng tại địa bàn Quảng Nam, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh này đã xử phạt 29 trường hợp người tham gia giao thông đã bị xử lý vi phạm nồng độ cồn (trong đó có 3 xe ô tô, 26 xe mô tô) với số tiền xử phạt 169 triệu đồng chỉ trong khoảng thời gian 11 ngày từ ngày 1 đến 11/1/2020.

Nói vậy để thấy cơ quan chức năng đang “làm thật”, xử nghiêm đối với những trường hợp vi phạm, chứ không phải Nghị định 100 ban hành ra mà chỉ có “hiệu lực trên giấy” như trong suy nghĩ chủ quan của một số người dân.

Bản thân người viết hiểu rằng, nghị định này ra đời bên cạnh số đông ủng hộ thì cũng có nhiều ý kiến phản đối. Có người lập luận rằng chỉ một vài chén rượu, vài cốc bia thôi hoặc uống rượu tối nay, sáng mai bị thổi nồng độ cồn mà phạt đến hàng triệu đồng, thu bằng lái, tạm giữ phương tiện thì nặng quá, chưa nhân văn. Song, ai trong chúng ta khẳng định được, với lượng ít nồng độ cồn trong hơi thở thì vẫn đảm bảo được an toàn, không gây nguy hiểm khi lái xe?

Hơn nữa, chẳng phải trước đó đã có rất nhiều quy định luật được đưa ra, nhưng vì phạt quá nhẹ, không đủ tính răn đe mới tạo nên tình trạng “kháng luật”, “nhờn luật” đó hay sao? Và nên nhớ, quy định này có liên quan đến sức khoẻ, đến sự an toàn và cả tính mạng của con người, nên không thể châm chước, cảm thông cho một số trường hợp để rồi lại trở thành tiền lệ xấu.

Để nói về tính chấp hành, tuân thủ quy định luật pháp, chỉ xin dẫn lại một ví dụ mới xảy ra cách đây ít ngày. Đó là trong hai ngày 10- 11/1 đã diễn ra 2 vụ đánh sập cao ốc ở Ấn Độ vì vi phạm quy định về môi trường. Trong vài giây, một toà nhà 19 tầng biến thành tro bụi. Đành rằng, rất nhiều người trong cuộc phải đau đớn vì mất mát, nhưng không vì thế mà cơ quan chức năng “mủi lòng” bỏ qua sai phạm.

Có lẽ, để xây dựng một Nhà nước pháp quyền, để pháp luật được thượng tôn, chúng ta cần một thái độ quyết liệt như vậy.

Và đương nhiên, không chỉ người dân sống tuân thủ luật pháp, mà cán bộ các cơ quan, chính quyền, các đơn vị thực thi cũng phải thực sự tôn trọng luật, chứ không nên nơi theo “luật”, nơi thì theo “lệ”!

Bích Diệp