Đừng để đến lúc làm gì còn niềm tin để mất!

(Dân trí) - Tóm lại, dù thế nào thì 2 vụ việc trên cũng cần sớm có kết luận chính thức. Kéo dài ngày nào, người dân giảm niềm tin ngày đó. Đừng để đến lúc làm gì còn niềm tin mà mất!

Đừng để đến lúc làm gì còn niềm tin để mất! - 1

Hai sự việc rất bức xúc, dư luận đang chờ đợi câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng. Thế nhưng đến nay, hình như sự việc đang rơi dần vào im lặng. Và không ít người đã hoài nghi đặt câu hỏi, liệu có “chìm xuồng” hay “hóa bùn”?

Việc thứ nhất diễn ra từ năm ngoái. Đó là hàng chục thí sinh ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình “bỗng dưng” bị “vu khống” những điểm số khổng lồ, có trường hợp tăng tới 26,5 điểm.

Sau nhiều tháng, đến nay vụ việc tương đối rõ ràng. Cơ quan chức năng đã nắm trong tay danh sách các thí sinh và cả phụ huynh những đối tượng này.

Câu hỏi đặt ra giờ đây là có hay không nêu danh tính các em và các bậc phụ huynh vẫn chưa ngã ngũ. Phía cho rằng cần thông báo cả tên tuổi thí sinh và phụ huynh vì đây là vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Phía phản đối cho rằng việc nêu tên là thiếu nhân văn vì tương lai các em còn dài. Một phía nữa cho rằng không nên nêu tên các em nhưng phải nêu tên phụ huynh liên quan.

Tôi ủng hộ quan điểm thứ ba, không nêu tên các em nhưng phải nêu tên phụ huynh liên quan bởi mấy lẽ.

Thứ nhất, khi sự việc xảy ra, có thể trong số 64 em đó có những em chưa đủ 18 tuổi tròn. Mà đã nêu tên là phải nêu tất cả. Do đó, không nên “bắt nhầm còn hơn bỏ sót” mà đành chấp nhận phương án ngược lại.

Thứ hai, các em còn quá trẻ, tương lai các em còn dài và thứ ba, các em là nhân vật thụ động. Đặc biệt với văn hóa Việt Nam, quyền quyết định thuộc về cha chú, cãi lại là láo, là bất hiếu.

Tuy nhiên với phụ huynh liên quan thi dứt khoát phải công bố danh tính bởi ở đây chỉ có 3 lý do để nâng điểm.

Một là do quyền lực của những người có chức, có quyền. Hai là do yếu tố tiền bạc và ba, có thể do yếu tố tình cảm gia đình, con cháu thân thiết.

Vi phạm ở góc độ nào, xử lý theo góc độ đó. Nếu sử dụng quyền lực, xử theo lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Nếu tiền bạc, sẽ là tội đưa - nhận hối lộ và nếu tình cảm, xử theo góc độ tình cảm.

Những đối tượng nâng điểm đã bị bắt, không lý gì những người tác động vào việc nâng điểm lại vô can dù họ là ai.

Cần nói thêm, không có chuyện xử tội người nhận hối lộ lại không có đối tượng đưa hối lộ và cũng không có chuyện ai đó “hại nhau” mà tự dưng nâng điểm cho con cái họ như lời một phụ huynh.

Vụ việc thứ hai là việc ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Đà Nẵng.

Đã nhiều ngày trôi qua, song cho đến thời điểm hiện tại, chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng về hành vi của ông này.

Nhiều người cho rằng đó là ấu dâm. Ông Linh thì cho rằng hành động đó là “nựng” trẻ nhỏ…

Việc này rất cần làm rõ bởi nếu đúng là hành vi ấu dâm, cần phải đem tên ác quỉ này ra xử lý đích đáng (mong rằng không phải là mức phạt “tượng trưng”… 100 – 300 ngàn đồng).

Ngược lạ, nếu đây là hành động “nựng” thật. cần làm rõ để trả lại danh dự cho ông Linh bởi danh dự con người cao quý lắm. Không được bỏ sót nếu ông Linh phạm tội và cũng không được gây oan trái cho ông Linh nếu ông Linh vô tội.

Còn nếu như với những chứng cứ từ clip, từ thông tin của Ban quản lý tòa nhà và tổ dân phố cung cấp mà cơ quan chức năng vẫn không có được kết luận cuối cùng thì cũng nên thông báo để người dân được biết.

Tuy nhiên, tôi cho rằng điều này khó xảy ra bởi cơ quan diều tra của ta rất giỏi. Họ đã từng phá được những vụ án mà hung thủ hầu như không để lại tung tích huống chi vụ việc này?

Tóm lại, dù thế nào thì 2 vụ việc trên cũng cần sớm có kết luận chính thức. Kéo dài ngày nào, người dân giảm niềm tin ngày đó.

Đừng để đến lúc làm gì còn niềm tin mà mất!

Bùi Hoàng Tám