Người ta đang làm gì với sự nghiêm minh của luật pháp thế này?

(Dân trí) - Tin từ báo Dân trí, Thanh niên, Tiền phong, VOV… ngày 15/3 cho biết, vào tháng 5/2018, ông Giáp Văn Huyên (54 tuổi)– lúc đó vẫn đang là thẩm phán TAND huyện Hiệp Hoà (tỉnh Bắc Giang) được lãnh đạo TAND huyện Hiệp Hòa phân công thụ lý giải quyết vụ án hình sự Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có liên quan đến 3 bị cáo.

 

m_tham-phan.jpg

 

 

Trớ trêu thay, chưa đầy 1 năm sau, chính Giáp Văn Huyên lại bị Viện KSND tối cao tống đạt cáo trạng truy tố bị can về tội nhận hối lộ.

Theo cáo trạng, hai tháng sau khi được phân công thụ lý vụ án hình sự nói trên thì Giáp Văn Huyên gọi 3 bị can đến yêu cầu “chung chi”, nêu rõ muốn xử nhẹ tội thì phải chi tiền.

Mức giá 70 triệu đồng mỗi người cho 2 bị cáo để giảm án từ 9 năm 6 tháng tù giam xuống còn 7 năm tù và 30 triệu đồng cho một bị cáo đang có “hoàn cảnh khó khăn” để được mức án nhẹ nhất. Tất cả những cuộc gặp “thương thảo” này đều diễn ra trong phòng làm việc riêng của Giáp Văn Huyên.

Sau khi thống nhất, thẩm phán này đã yêu cầu các bị cáo lo tiền trong thời gian sớm nhất. Chưa dừng tại đó, thẩm phán còn liên tục gọi điện cho các bị cáo để “nhắc nhở” mang tính doạ dẫm nếu không đưa tiền sẽ cho mức án nặng nhất hay không có tiền thì “xử cho rơi tự do”.

Giáp Văn Huyên bị “sa bẫy” khi chịu mặc cả với một bị cáo “giảm giá” án từ 70 triệu xuống còn 50 triệu đồng, nhận trước 19 triệu đồng rồi bị tố cáo.

Từng nghe phản ánh rằng mức lương của các thẩm phán không tương xứng với khối lượng công việc nặng nề cũng như tầm quan trọng của họ đang gánh vác để thiết lập công bằng xã hội, song người viết không tưởng tượng được đằng sau phòng xử án lại có thể xảy ra những vụ “làm tiền” lộ liễu, ngang nhiên đến thế này!

Mặc trên người chiếc áo thẩm phán mà ông ta có thể dùng công lý để mua bán, đổi chác, chà đạp lên tôn nghiêm của luật pháp, coi luật pháp là công cụ để làm giàu. Không còn gì để nói về sự tha hoá, bỉ ổi này!

Giả sử các thương vụ này trót lọt, liệu trong giờ khắc tuyên án, Giáp Văn Huyên có dám trơ trẽn “Nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hay không? Một kẻ xử án như vậy chẳng những đang tự “bôi tro trát trấu” vào danh dự bản thân mà còn có hành vi chà đạp lên niềm tin của người dân vào sứ mệnh thiêng liêng của ngành tư pháp.

“Lưới trời tuy thưa mà khó lọt”, Giáp Văn Huyên bị cho thôi việc và truy tố là hệ quả đương nhiên của những kẻ đã tự bán rẻ danh dự bản thân, tham lam bất chấp lương tri, bất chấp luật pháp.

Song đó không thể là dấu chấm kết lại một vụ việc li kỳ như trong tiểu thuyết, không phải cứ phạm pháp bị truy tố là đã xong. Vẫn còn đó những băn khoăn, rằng với chiêu thức “vòi tiền” bị cáo đầy lộ liễu theo kiểu “có 30 lạng việc này mới xong” thì đây có phải là lần đầu Giáp Văn Huyên nhận hối lộ? Những vụ việc trước đây do ông ta xét xử có đảm bảo không xảy ra tình trạng “chạy án”?

Thêm nữa, sau khi nhận được đơn tố cáo của gia đình bị cáo Hoàng Văn Th., Chánh án và Phó chánh án TAND huyện Hiệp Hoà (tỉnh Bắc Giang) đã chỉ đạo Huyên đến gia đình bị cáo Th. trả lại số tiền đã nhận cho bị hại.

Viện KSND tối cao xác định Chánh án và Phó chánh án TAND huyện Hiệp Hoà dù không phạm tội nhưng vi phạm quy định về quản lý cán bộ nên đã có văn bản đề nghị TAND tỉnh Bắc Giang xử lý.

Liệu rằng kết luận như vậy có phải quá vội vã và nhẹ nhàng khi mà rõ ràng đã có dấu hiệu bao che, lấp liếm cho vi phạm của cán bộ trong nội bộ cơ quan TAND huyện Hiệp Hoà?

 

Bích Diệp