Dụng chiêu “cáo mượn oai hùm” hay sự khinh nhờn luật đã trở nên trắng trợn?

(Dân trí) - Báo Dân Trí ngày 19/12 dẫn thông tin mới nhất từ đại diện Cục CSGT - Bộ Công an cho hay, đơn vị này đang xác minh đoạn video ghi lại hình ảnh chiếc xe Toyota Land Cruiser có biểu hiện bất thường.

Dụng chiêu “cáo mượn oai hùm” hay sự khinh nhờn luật đã trở nên trắng trợn? - 1

Cụ thể, đang chạy trên đường Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), khi đến một đoạn cua, cạnh trụ sở Bộ Công an, biển kiểm soát của xe bất ngờ lật từ biển trắng 30F - 822.81 sang biển xanh 80A - 296.89. Qua tra cứu dữ liệu biển số xe, đơn vị xác định biển số 80A màu xanh chiếc xe này gắn là giả.

Biển số 30F - 822.81 chiếc xe này sử dụng trước khi lật sang biển xanh được cấp cho ôtô Toyota Land Cruiser sản xuất năm 2015, nhưng đăng ký lần mới nhất vào ngày 3/7/2019, chủ sở hữu là một Công ty vận tải ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Chuyện tưởng như chỉ có trong phim trinh thám. Ấy vậy mà như thời gian gần đây, có vẻ như nhiều người cũng đang muốn “biến hình” trở thành điệp viên James Bond (007) ngoài đời thực?!

Bởi chỉ mới 1 ngày trước (18/12), Cục CSGT cũng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Phòng CSGT Công an Hà Nội xác minh chiếc xe ô tô hiệu Mercedes đang di chuyển trên đường phố Hà Nội đã bất ngờ thay đổi biển số từ biển trắng 30F thành biển xanh 80B.

Tôi thì tôi chẳng tin đây chỉ là một trò đùa mang tính giải trí, tiêu khiển cho vui ở trên đường mà chỉ là chiêu “cáo mượn oai hùm” mà thôi.

Có một thực tế là dù trong quy định của luật, không phải xe biển xanh nào cũng thuộc trường hợp ưu tiên, nhưng trong quan niệm của bộ phận không nhỏ người dân cũng như đơn vị chức năng, xe “biển xanh” vẫn có một cái “uy” nhất định, đặc biệt là những xe đeo biển số màu xanh 80A, 80B (thuộc cơ quan hành chính do Trung ương quản lý).

Dường như, ít ai chịu hiểu rằng (hay là không muốn thừa nhận), ngay cả những xe thuộc diện ưu tiên trong Luật giao thông đường bộ như xe chữa cháy, xe quân sự, xe công an, xe cứu thương, xe hộ đê… thì cũng phải là “đang làm nhiệm vụ”.

Phải chăng, “oai” của những chiếc xe biển xanh quá lớn nên việc “mạo danh”, “mượn danh” lại càng trở nên phổ biến? Họ cho rằng, nếu “mặc” lên cho chiếc xe một biển số màu xanh/đỏ thì đương nhiên họ sẽ được lái nhanh vượt ẩu, được vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, được ưu ái khi xử phạt, thậm chí là có thể làm khó cả cảnh sát giao thông?

Ồ, nếu vậy thì có lẽ những “con cáo” cần suy nghĩ lại. Mới cuối tháng 9 vừa qua, xe biển xanh của Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn trên cầu Giã Viên đã bị người dân chụp ảnh gửi đến cơ quan chức năng xử lý. Tài xe chiếc xe này đã bị xử phạt hành chính 1 triệu đồng và tước bằng lái xe 2 tháng.

Tóm lại, nếu theo luật mà xử thì trong trường hợp xe biển xanh không thuộc trường hợp được ưu tiên, mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ nói riêng và vi phạm pháp luật nói chung đều bị xử lý vi phạm theo quy định. Chẳng có “đặc quyền, đặc lợi” gì ở đây cả!

Bên cạnh đó, giới luật sư cũng khẳng định, một xe ô tô chỉ có một biển số xe, không thể vừa có biển xanh vừa có biển trắng, và việc sử dụng cùng một lúc hai biển số khác nhau là trái với quy định của pháp luật (Dân trí, số báo ngày 21/12).

Hành vi sử dụng biển số “rởm” không do cơ quan có thẩm quyền cấp có thể sẽ bị phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng. Con số này khiến người viết có phần băn khoăn, liệu khung phạt như trên đã đủ sức răn đe đối với những người vi phạm.

Bởi, bất cứ ai sau khi được cấp bằng lái cũng đều bắt buộc đã phải hiểu về Luật giao thông đường bộ, chứ chưa nói đến kiến thức cơ bản là “không được phép sử dụng biển số giả”. Biết nhưng vẫn làm, vẫn hành động ngay giữa “thanh thiên bạch nhật” như thế, chỉ có thể là vì quá khinh nhờn pháp luật và coi thường công luận.

Chợt nghĩ, những chuyện “mượn oai”, “núp bóng” như thế dường như chẳng phải chỉ diễn ra với xe biển xanh - biển trắng trên đường. Một khi xã hội vẫn còn tồn tại những đặc quyền, ưu đãi “ngoài luật”, bất thành văn, hay còn gọi là “lệ”, thì cái sự “giương oai”, “mượn oai” vẫn còn nhiều đất diễn lắm!

Bích Diệp