Đồng tiền đổi bằng sinh mạng

Bích Diệp

(Dân trí) - Một ngôi làng tỷ phú mà khiến ta ám ảnh đến khôn nguôi, tự hỏi làm sao người dân có thể chịu đựng nổi, sinh hoạt nổi trong điều kiện sống kinh hoàng đến thế.

Theo miêu tả của phóng viên ở phóng sự ảnh ngày 17/3 trên Dân trí, đi dọc đường làng Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), ngoại trừ những lò đúc nhôm đang hoạt động, chỉ còn những ngôi nhà quanh năm cửa đóng then cài.

Qua những bức ảnh chụp toàn cảnh từ trên cao có thể thấy rõ, ngôi làng bị bao phủ bởi thứ khói bụi xám bạc lờ nhờ. Không khí đặc quánh lại tựa như vừa trải qua đổ nát. Làng toàn là nhà tầng vậy mà tiêu điều, ảm đạm, không hề có sinh khí của nơi mà con người có thể sống được.

Đồng tiền đổi bằng sinh mạng - 1

Toàn cảnh ngôi làng Mẫn Xá trên cao với nhiều ống khói xả trực tiếp lên trời (Ảnh: Toàn Vũ).

Bụi chất nhiều đến nỗi phải tính theo cân, đi ngủ cũng đeo khẩu trang. Nghe lại lời kể của một số người dân ở đây mà bản thân tôi thấy rùng mình, ớn lạnh lẫn xót xa.

Nhớ lại đám cưới cách đây 4 năm, chị P.T.N. vẫn không quên hình ảnh chiếc váy cô dâu màu trắng mà bản thân kỳ công chọn lựa cả tháng trời, bỗng chốc chuyển màu "cháo lòng" ngay khi tiệc vui còn chưa kết thúc.

Thậm chí, hiếm khi chị sắm sửa váy vóc, quần áo đẹp cho mình và con gái. Chị bảo, đồ mua về mặc một chốc đã bẩn, mỗi lần giặt, đổ mấy chậu nước vẫn đen ngòm. Ngay cả bữa ăn của gia đình cũng không được trọn vẹn vì quá bụi.

Còn bà Nguyễn Thị Yến (76 tuổi) khốn khổ vì tiếng ồn và ô nhiễm, phơi quần áo phải phơi trong nhà kín, chẳng bao giờ dám mặc đồ sáng màu.

Gia đình 3 thế hệ của bà Yến đã sống ở làng Mẫn Xá từ nhiều năm nay. Trước đây, số lượng lò nhôm hoạt động còn ít, tình trạng ô nhiễm không khí chưa cao, nhưng đến nay, các lò cô đúc nhôm "mọc" lên như nấm, xen kẽ với nhà dân, lại hoạt động hết công suất khiến ngôi làng dù ngày hay đêm cũng "chìm" trong khói bụi.

Mẫn Xá là làng tái chế nhôm quy mô lớn nhất miền Bắc. Trong làng có khoảng gần 3.200 hộ thì có tới 400 lò luyện thủ công.

Theo phản ánh trên truyền thông, nghề đúc nhôm đã đem đến cuộc sống khấm khá cho người dân Mẫn Xá, khiến nơi đây còn được gọi tên khác là "làng tỷ phú" khi nhiều căn nhà tiền tỷ mọc san sát. Trong một chương trình truyền hình, lãnh đạo xã Văn Môn cũng nhận xét, làng Mẫn Xá có kinh tế phát triển mạnh, số lượng tỷ phú tương đối nhiều.

Tôi tự hỏi rằng, những gia đình tỷ phú họ có thở bằng thứ không khí chung, có sống trong cùng một điều kiện sống như bao người dân khác ở đây không? Hẳn là có chứ! Nhưng họ sẵn sàng đánh đổi sức khỏe bao người và của chính bản thân vì kinh tế. Sau tất cả, dường như đồng tiền vẫn đang được đặt trên sinh mạng.

"Tiền nhiều để làm gì?". Tiền nhiều để ăn ngon, mặc đẹp, sống khỏe, sống vui - nhưng mọi thứ đó đều trở nên vô nghĩa ở đây. Một bữa cơm không bụi bẩn còn khó!

Đối với một người đã bỏ phố về quê như tôi, quả thực chẳng thể nào lý giải nổi vì sao người ta phải làm giàu "bạt mạng" như vậy.

Làm giàu là điều tốt. Người dân muốn đổi đời đã đành, lãnh đạo địa phương đương nhiên cũng muốn kinh tế trên địa bàn phát triển.

Nhưng có điều, ở đây người ta làm kinh tế đến… bất chấp!

Vừa mới đây thôi, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Hải đã ký, ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 cá nhân tại xã Văn Môn (huyện Yên Phong) do xử lý chất thải nguy hại khi không có giấy phép, với tổng số tiền 400 triệu đồng.

Cũng trong tháng 3 này, Đoàn công tác liên ngành gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh Bắc Ninh và huyện Yên Phong đã tiến hành lập biên bản, niêm phong hệ thống máy móc, nhà xưởng của 5 cơ sở vi phạm trong quá trình cô đúc nhôm tại xã Văn Môn. Trước đó, 5 chủ hộ này cũng đã bị xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền 875 triệu đồng.

Vậy còn những cơ sở khác?

Tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 3 diễn ra ngày 10/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang yêu cầu các Sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết việc xử lý ô nhiễm môi trường tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong.

Người viết đánh giá đây là những bước đi cứng rắn để chấn chỉnh lại tình trạng sản xuất ô nhiễm trong khu làng nghề ở xã Văn Môn. Song, tôi cũng chắc rằng, việc xử lý nếu không kiên trì, rốt ráo, không mạnh tay và đến nơi đến chốn thì sẽ khó mà "gột" sạch môi trường khu vực này. Kế hoạch phải được hiện thực hóa.

Luật Bảo vệ môi trường đã có, Nghị định 08/2022/NĐ-CP cũng đã được ban hành hồi đầu năm. Mọi chuyện cứ theo luật mà xử nhưng liệu rằng lãnh đạo địa phương có đủ quyết tâm hay không. Đương nhiên, một khi giải bài toán môi trường thì cũng phải đảm bảo "cần câu cơm" cho người dân.

Người già, trẻ con… mỗi ngày sống mỏi mòn trong môi trường ấy, rồi sẽ đi đâu về đâu. Khi sự giàu có của những tỷ phú làng được đánh đổi bằng sức khỏe của hàng nghìn hộ dân, khi đồng tiền phủ lên bệnh tật của người khác, thì sự giàu có đó hẳn đã là thịnh vượng?