Đòn trừng phạt nào mới đủ "nặng" cho những kẻ đầu cơ?
(Dân trí) - Trong mấy ngày qua, chúng ta đã thấy có hiện tượng đầu cơ, tích trữ một số mặt hàng phòng, chống dịch cúm corona. Rất nhiều người người tỏ thái độ giận dữ, yêu cầu xử lý thật nặng người đầu cơ. Nhưng thực sự, hành vi đầu cơ bị trừng phạt tới mức nào mới là hợp lý?
Trong nền kinh tế thị trường, đầu cơ là một hiện tượng phổ biến, không tránh khỏi mỗi khi người đầu tư, kinh doanh dự đoán có sự khan hiếm, thiếu hụt mặt hàng nào đó thì họ sẽ bỏ tiền mua, tích trữ một số lượng hàng nhất định để chờ đợi cơ hội bán ra, kiếm lời.
Đầu cơ cũng có 2 mặt: Nó có thể đem lại khoản lợi nhuận lớn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Nếu xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hụt mặt hàng nào mà người đầu cơ đã tích trữ thì họ có thể kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Nhưng nếu tình hình không khan hiếm như dự báo như có sự can thiệp, bình ổn hàng hóa của nhà nước bằng việc đẩy mạnh nhập khẩu, thúc đẩy các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước sản xuất, cung ứng mặt hàng đủ lớn ra thị trường thì doanh nghiệp hay cá nhân đã đầu cơ mặt hàng đó có thể sẽ bị "ế" hàng, bị thua lỗ nghiêm trọng, thậm chí doanh nghiệp đã đầu cơ có thể bị phá sản.
Trong những ngày qua, có thể thấy, đã có hàng loạt cửa hàng, cá nhân đã tham gia đầu cơ, tích trữ một số mặt hàng như khẩu trang, nước rửa tay... để phòng dịch cúm corona. Từ những mức giá mua vào rất rẻ như 50.000 đồng/hộp khẩu trang (20 chiếc), nhiều cửa hàng đã bán tới 250-300 ngàn đồng/hộp, tức là đã tăng gấp 5-6 lần.
Hay một chai dung dịch rửa tay bình thường chỉ 160.000 đồng/chai cũng ít người mua nhưng trong mấy ngày vừa qua, nhiều nơi đã bán lên tới 1,2-1,5 triệu đồng/chai. Những cửa hàng hay cá nhân mua gom được số lượng lớn bán chênh mức giá như vậy có thể thu được từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng chỉ trong 1-2 ngày.
Mặc dù vậy, các cơ sở hay cá nhân đầu cơ bị phát hiện cũng chỉ bị xử phạt 20-30 triệu đồng, như 2 cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế trên phố Ngọc Khánh - Hà Nội trong ngày 31/1.
Các mức phạt trên có thể nói là khá nhẹ so với mong muốn của đa số người dân- muốn trừng phạt thật nặng những kẻ trục lợi trên nỗi lo lắng cao độ về sức khỏe của người dân. Nhất là khi người ta có thể tính ra được các cửa hàng này có thể đã đạt mức lợi nhuận ít nhất 400-500 triệu đồng, dựa vào số lượng hàng đã bán ra. Và như thế, có thể hiểu, mức phạt chưa đủ tính răn đe.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý thị trường cũng chỉ có thể phạt mức trên dựa theo quy định: Nghiêm cấm hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, dịch bệnh và điều kiện bất thường... để định giá mua bán hàng hóa bất hợp lý được quy định tại Điều 17, Nghị định 109 ban hành năm 2013 của Chính phủ.
Cơ quan chức năng cũng có thể xem xét, xử phạt hành chính việc tăng giá hàng hóa bất hợp lý nếu bán “cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước”, theo Nghị định 49/NĐ-CP ban hành năm 2016 của Chính phủ. Nhưng mức phạt cao nhất cũng chỉ vài chục triệu đồng.
Hành vi đầu cơ cũng chỉ bị xử lý hình sự khi tổ chức, cá nhân có dấu hiệu “mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính”, theo điều khoản 196.1, Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật hình sự năm 2017. Tuy nhiên, việc bình ổn giá hàng hóa thông thường không phải là việc của thương nhân, mà là nghĩa vụ của Nhà nước, theo Luật Giá 2012.
Như vậy, có thể hiểu là đầu cơ hàng hóa vẫn là một hoạt động không hoàn toàn bất hợp pháp trong nền kinh tế thị trường. Nó chỉ bị cấm, bị xử phạt trong một số trường hợp nhất định như thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế...
Thực tế mấy ngày qua có thể hiểu hành vi đầu cơ đó là đã vi phạm pháp luật khi người đầu cơ đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để mua vét hàng hóa, bán ra với giá cao, trục lợi trên sức khỏe con người. Hành vi đó không chỉ là phạm pháp mà còn là việc làm đáng xấu hổ về mặt đạo đức.
Tuy nhiên, cho dù mức phạt hành chính còn thấp, chưa đáp ứng mong muốn của người dân, nhưng những tổ chức, cá nhân đã đầu cơ hàng hóa phòng, chống dịch bệnh sẽ phải đối diện với hình phạt cao hơn nữa: Đó chính là việc người dân đã nhận diện, phát hiện tên, địa chỉ của cửa hàng, đại lý đó và họ hoàn toàn có quyền lên án, tẩy chay mua sắm hàng hóa của các cửa hàng này trong thời gian tới. Đó mới là đòn trừng phạt nặng nhất mà những người có ý định đầu cơ phải tính đến, vì nó có thể dẫn đến một sự phá sản hoàn toàn đối với một cơ sở kinh doanh, khi người tiêu dùng quay lưng.
Mạnh Quân