Đòi hỏi nề nếp sao lại chối từ quy tắc?

(Dân trí) - Với lựa chọn chủ đề năm 2017 là “Năm kỷ cương hành chính” nhằm nâng cao tính văn hóa, truyền thống thanh lịch của mình, Hà Nội chuẩn bị ban hành bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng cho người dân và quy chế ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Ngay lập tức, những tranh luận xoay quanh việc ban hành cũng như một số nội dung của bộ quy chế đã nảy ra.Người thì cho là máy móc, cứng nhắc; người nói nó mơ hồ và khó thực hiện; thậm chí có người còn cho là nó vi phạm tự do cá nhân. Lại có người cho rằng đã có Luật Công chức sao còn phải thêm Quy chế ứng xử cho thêm rối rắm? Hay công chức, viên chức Hà Nội có gì đặc biệt, đặc thù so với các địa phương khác trong cả nước mà cần phải có bộ quy tắc ứng xử riêng v.v. và v.v

Công chức theo nghĩa chung là những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các chức danh trong các cơ quan nhà nước (tập trung vào các cơ quan hành chính) để thực thi hoạt động công vụ. Singapore coi công chức là chìa khóa của thành công; còn sự nền nếp, chuẩn mực, tận tụy của công chức Nhật bản được coi là một biểu tượng của đất nước kỷ cương này.

Công chức xét về một mặt nào đó, chính là bộ mặt của nhà nước. Vì thế, thiết lập bộ mặt văn minh, kỷ cương, chuyên nghiệp cho đội ngũ công chức là việc làm rất cần thiết.

Trang phục chuẩn mực, thống nhất, tác phong chuyên nghiệp, văn minh là biểu hiện của tính kỷ luật, thái độ nghiêm túc và ý thức trách nhiệm của công chức. Trong xu thế các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn đang hướng đến những quy định về chuẩn mực trong trang phục và tác phong làm việc để tạo lập văn hóa doanh nghiệp thì việc công chức nhà nước xây dựng nếp sống văn hóa nơi công sở, hướng đến những quy tắc ứng xử cần thiết lẽ nào không phải là điều nên làm?

Tại sao chỉ cần bước ra đường chúng ta đã có thể bắt gặp ngay một số hãng tắc xi hay xe khách đường dài đã và đang thực hiện quy chuẩn thống nhất trang phục từ quần áo đến cà vạt cho nhân viên, mà trước yêu cầu quy chuẩn hóa công chức nhà nước chúng ta lại cho là vi phạm tự do, triệt tiêu sự phong phú của thẩm mỹ cá nhân?

Tất nhiên, bộ quy tắc còn có một số điểm chưa phù hợp như có một số điều quy định quá chi tiết, cơ quan chủ trì nghiên cứu soạn thảo cần phải xem xét, điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi hơn. Và tất nhiên, rất nhiều những văn bản luật và dưới luật quy định về đạo đức, phẩm chất của cán bộ công chức đã được đưa ra, nhưng trước thực trạng còn nhiều biểu hiện thiếu văn hóa, thiếu gương mẫu của đội ngũ này, việc tiếp tục bann hành thêm bộ quy tắc này cũng tựa như việc “Mưa dầm thấm đất”.

“Cái áo không làm nên thầy tu”, nhưng vào một cơ quan nhà nước mà đội ngũ nhân viên “Áo chân cáy, váy chân sứa” thì quả thật ấn tượng cần phải có về sự chuẩn mực, nề nếp, tính kỷ cương, chuyên nghiệp… chắc chắn sẽ không cánh mà bay để nhường chỗ cho ấn tượng ngược lại.

Năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp mới là điều tiên quyết, nhưng tác phong, hình thức, văn hóa ứng xử cũng góp phần không hề nhỏ vào việc xây dựng một nền hành chính thủ đô chuyên nghiệp, chuẩn mực và hiệu quả.

Muốn nề nếp, kỷ cương xin đừng chối từ quy tắc.

Cát Thụy