Đời con cháu chúng ta còn đủ sức mua nhà mà ở?

Bích Diệp

(Dân trí) - Cứ đà này, đời con cháu chúng ta thử hỏi có còn đủ sức mua nhà mà ở? Đành là quy luật cung - cầu, nhưng sự tăng giá của đất đai cũng cần phải tương xứng với sự phát triển của nền kinh tế.

Dịp Tết vừa rồi, người bà con của tôi từ Hà Nội về quê nghe ngóng giá đất đai, tính chuyện mua một mảnh an dưỡng tuổi già, thế nhưng ý định này bị dập tắt trong phút chốc. Bởi mua đất ở quê bây giờ cũng chẳng hề rẻ hơn so với việc mua một căn chung cư ở phố.

"Không có tiền tỷ trong tay, đừng nghĩ chuyện mua đất làm nhà" - tâm sự này tôi nghĩ chẳng phải riêng của người bà con kia, mà cũng là tình trạng chung trong bối cảnh "sốt đất" toàn quốc hiện nay.

Giá đất tăng cao, làm gì cũng khó. Nhiều người chia sẻ thật rằng, thời điểm này chẳng ai dại gì mà mua đất để ở bây giờ, càng không ai dùng tiền tiết kiệm, dưỡng già ra để mà mua đất nhằm các mục đích kinh doanh lâu dài.

Đời con cháu chúng ta còn đủ sức mua nhà mà ở? - 1

Bất động sản sốt giá, cơ hội tiếp cận nhà ở đối với người thu nhập thấp càng trở nên khó khăn (Ảnh: Hữu Khoa).

Nói là "đầu tư bất động sản" nhưng thực chất là "lướt lát", người mua giá cao với hi vọng bán giá được giá cao hơn, mua hôm nay thì ngày mai đã muốn bán. Thậm chí có người bạn của tôi còn khoe rằng, chỉ cần đặt cọc 50 triệu đồng buổi sáng thì chiều đã lãi 20 triệu đồng. Nếu sản xuất kinh doanh đơn thuần làm sao có thể đạt được mức sinh lợi khủng khiếp như vậy?

Cơn "lên đồng" của giá đất giúp rất nhiều cá nhân có tài sản nhàn rỗi kiếm được lợi nhuận "khủng" trong năm qua, bất chấp Covid-19 khiến hầu hết mọi hoạt động bị đóng băng, ngưng trệ.

Đất tăng chóng mặt thì ai được lợi? Đương nhiên môi giới được lợi, những người kịp sang tay được lợi, một số chủ đất bỗng dưng cũng được định giá tài sản cao hơn. Nhưng có gì là lên được mãi, bao gồm cả đất! Đến một ngưỡng nào đó (có phải không phải bây giờ, nhưng không sớm thì muộn) quả bóng cũng vỡ hoặc xì hơi.

Sẽ là bi kịch với những ai vay mượn bị cuốn vào vòng xoáy đất đai, giá thì cao, người mua không có, người cầm "hòn than nóng" cuối cùng đương nhiên sẽ "bỏng tay" - vỡ nợ, phá sản. Chuyện tưởng đã cũ hơn chục năm về trước, song lại như sắp hiển hiện trước mắt!

Trong một báo cáo vừa gửi lên Thủ tướng mới đây, Bộ Xây dựng cho hay, khi đất tăng giá mạnh, các doanh nghiệp khó có cơ hội đầu tư dự án bình dân, giá thấp mà bắt buộc phải đầu tư bất động sản cao cấp, siêu sang phục vụ cho các đối tượng thu nhập rất cao trong xã hội mới có thể thu hồi vốn và kinh doanh có hiệu quả. Khi đó, người dân thu nhập thấp, thu nhập trung bình mất cơ hội tiếp cận nhà ở.

Đồng thời, với những doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ trên đất, họ cũng sẽ tăng giá bán do chi phí mặt bằng bị đội lên. Rốt cuộc, gánh nặng cuối cùng cũng sẽ lại thuộc về người tiêu dùng. Thiệt hại nhất là ai? Nói đi nói lại, vẫn lại là người dân thu nhập thấp. Những người làm công ăn lương, những lao động phổ thông, việc tích góp để có nơi an cư lạc nghiệp càng trở nên xa vời.

Như vậy, có thể trong thời gian ngắn có một bộ phận được hưởng lợi nhưng trong lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của cả một nền kinh tế. Không nền kinh tế nào phát triển bền vững dựa vào trao tay đất đai, mà phải xuất phát từ giá trị gia tăng của sản xuất kinh doanh mang lại. Như GS. Đặng Hùng Võ nói trên Dân trí: "Một nền kinh tế mà chi phí cho đất đai quá lớn thì nền kinh tế đó sẽ đứng không vững".

Hệ lụy lớn hơn là đời con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả. "Đời cha ăn mặn đời con khát nước", cứ đà này, đời con cháu chúng ta, thử hỏi có còn đủ sức mua nhà mà ở? Đành rằng theo quy luật, nguồn cung cạn dần trong khi cầu tăng thì giá sẽ tăng, nhưng sự tăng giá của đất đai cũng cần phải tương xứng với sự phát triển của nền kinh tế. Đến như Hàn Quốc, Hồng Kông hay Singapore… ngay cả khi mặt bằng thu nhập người dân cao hơn nhiều thì việc sở hữu nhà ở cũng đã quá khó khăn do chi phí vượt tầm với.

Do vậy, thiết nghĩ cần có biện pháp mạnh tay với các chiêu trò đấu giá nhằm tạo sốt ảo giá đất, ngăn chặn cò đất bất lương kích giá, đẩy giá làm "nóng" thị trường (bao gồm cả tước chứng chỉ hành nghề).

Bên cạnh các biện pháp về cải cách thuế, xử phạt các hành vi bất thường gây nhiễu thị trường, minh bạch thông tin về quy hoạch… thì căn cơ hơn nữa là hoàn thiện pháp luật. "Tôi cho rằng cần nhanh chóng sửa đổi thay đổi cả hệ thống. Thực tế hiện nay vướng cái gì đất đai cũng khó khăn. Cốt lõi nằm ở Luật đất đai" - GS Võ nhận xét.

Còn người viết thì cho rằng, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần được nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng, Quốc hội cần huy động được trí tuệ tập thể để khắc phục những bất cập của luật hiện hành, giúp nguồn lực đất đai thực sự được khai thác triệt để, đảm bảo lợi ích cho cả Nhà nước và người dân.