“Đinh tặc”, “cẩu tặc” và những mạng người lương thiện
(Dân trí) - Có lẽ hiếm có “nghề” nào táng tận lương tâm như “nghề cẩu tặc” và cũng có lẽ trên thế gian này, không có nơi nào có một nghề “độc đáo” như “nghề đinh tặc” ở Việt Nam.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Chỉ vì mối lợi của mình, bọn “đinh tặc” đã rải trên mặt đường những vật nhọn để phá hủy săm, lốp của các phương tiện giao thông. Đã có không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra gây phẫn nộ dư luận.
Trước sự bức xúc cao độ của người dân, Dự thảo Bộ luật Hình sự đã bổ sung một điều mới so với luật hiện hành để xử lý hành vi cố ý rải vật sắc nhọn (đinh tặc) trên đường bộ với mức phạt tiền cao nhất tới 500 triệu đồng và mức phạt tù đến 12 năm.
Cụ thể tại Điều 163 Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định “Tội cố ý đặt, rải vật sắc, nhọn trên đường bộ” như sau: Người nào cố ý đặt, rải vật sắc, nhọn trên đường bộ hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Nếu phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 100-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 2-7 năm: Phạm tội từ 2 lần trở lên; trên các tuyến đường cao tốc; trên các đoạn đường đèo, dốc hoặc các đoạn đường nguy hiểm khác; gây hậu quả nghiêm trọng.
Mức phạt tù cho “đinh tặc” sẽ được tăng mạnh lên từ 7-12 năm nếu hành vi đó được xác định là “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm”.
Đây là hình thức xử phạt đủ sức răn đe bởi theo Điều 203 Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ quy định tội danh này là "cản trở giao thông đường bộ".
Vì thế, chỉ khi hậu quả xảy ra mới xử lý được và mức xử phạt cũng rất nhẹ so với hậu quả mà hành vi này gây ra.
Song, còn một tội nữa cũng rất cần đưa vào luật với hình thức xử nặng, đó là tội trộm chó.
Gần đây, bọn “cẩu tặc” hoành hành ngày một ngang nhiên. Chúng không chỉ bắt trộm chó mà khi bị truy đuổi, sẵn sàng chống trả quyết liệt.
Máu của những người lương thiện đã đổ và máu của bọn “cẩu tặc” cũng đã đổ.
Song, với qui định của Bộ luật hình sự hiện hành, tội trộm cắp chỉ hình thành nếu tài sản bị trộm có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên nên những kẻ trộm chó cùng lắm chỉ bị xử lý hành chính. Bắt xong, buộc phải thả và vì thế, chúng càng ngang nhiên.
Trong khi đó, con chó đối với chủ không chỉ là tài sản mà còn là tình cảm gắn bó, thủy chung “khuyển mã chi tình”.
Trên báo Tuổi trẻ cách đây hơn một năm đăng câu chuyện đau lòng do một bác sĩ thú y kể lại:
“Vào buổi chiều muộn có hai cha con đem tới cho tôi một chú chó bị thương nặng. Cậu bé chừng 10 tuổi ôm chú chó vừa khóc nghẹn ngào vừa năn nỉ: “Bác sĩ ơi ráng cứu nó!”. Từ chiều tới tối, cậu bé cứ ngồi khóc thút thít. Tối khuya hai cha con ra về, gửi lại chú chó và một số tiền khá lớn. Người cha nói tôi cứ làm hết sức, miễn sao nó sống: “Con tui thương nó dữ lắm”.
Sáng hôm sau, cậu bé gọi điện thoại hỏi thăm rồi mới đi học. Đến trưa con chó chết. Tôi gọi điện thoại báo tin, cậu bé nhận điện thoại khóc ngất, nói bác sĩ chôn nó giùm con rồi cứ nức nở mãi không thôi”.
“Đinh tặc” và “cẩu tặc” là hai “nghề” tàn nhẫn, táng tận lương tâm nên rất mong pháp luật mạnh tay hơn đối với loại tội phạm này bởi đằng sau sự tàn nhẫn, táng tận còn là những mạng người.
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!