Điều không dễ tiên liệu
(Dân trí) - Liệu cán bộ, đảng viên có nghiêm chỉnh và tự giác thực hiện qui định hay không? Chủ trương đúng đắn nhưng có đi vào cuộc sống hay không cũng là điều không dễ tiên liệu. Rồi khi có phản ánh của nhân dân, liệu có được sự lắng nghe thật lòng…?
Không biết từ bao giờ mà lễ tân hôn, một nghi thức cao đẹp trong đời sống lứa đôi của cả một đời người biến tướng thành công cụ cho những ý đồ không trong sáng.
Nếu với người dân, đó là ngày “trả nợ miệng” đầy nhạy cảm, được ví như “cơm bụi giá cao” thì đối với tầng lớp thương gia, nó trở thành cuộc phô trương, khoe của đầy phản cảm. Đã có không ít “đại gia”, “tiểu gia” biến buổi lễ thành hôn trang trọng và thiêng liêng trở thành ngày phô xe sang, dàn nhạc khủng và sự có mặt của các siêu sao, người mẫu đang HOT... Còn với một số cán bộ đảng viên có chức, có quyền, nó bị phủ lên bởi bức màn của những cuộc kinh doanh một vốn bốn mươi lời. Có nhà trường bắt học sinh nghỉ học để lấy nơi làm lễ cưới cho con lãnh đạo địa phương. Lố bịch hơn, có những cán bộ còn nhân danh cơ quan để gửi giấy mời và in cả chức danh lên thiệp cưới như một lời “đe dọa”.
Vì vậy, qui định của Thành ủy có thể sẽ vấp phải sự phản ứng (dù không ra mặt) của một số người bị đụng chạm quyền lợi. Tuy nhiên, về mặt tổ chức, nó khẳng định tính kỉ luật cao của Đảng. Do qui định này chỉ áp dụng đối với cán bộ đảng viên nên nó chỉ mang tính nội bộ với các đối tượng cụ thể. Nói nôm na, nếu là cán bộ đảng viên thì phải chấp nhận qui định này. Còn nếu không chấp nhận, xin mời bước ra khỏi đội ngũ.
Nhìn ở góc độ khác, công bằng mà nói không phải cán bộ đảng viên nào cũng coi việc cưới xin (thậm chí cả ma chay) như một “cơ hội” làm ăn. Có nhiều và rất nhiều cán bộ đảng viên bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, tình cảm và sự cả nể nên dù muốn hay không cũng khó. Khi có qui định của Thành ủy, nhiều người sẽ coi như một “cái cớ” để dễ bề hành xử.
Vì vậy, chắc chắn sau qui định này, nhiều lễ kết hôn sẽ chỉ là buổi gặp mặt của gia đình cô dâu, chú rể với một số bạn bè thân thiết…
Song cuộc sống vốn muôn màu, muôn vẻ nên cũng cần cảnh giác trước những biến thái khôn lường.
Ví như thay vì đến dự lễ thành hôn, sẽ có không ít người đến chúc mừng từ hôm trước với những món quà có giá trị vật chất cao? Rồi lễ cưới có thể kéo dài nhiều ngày, với các thời điểm khác nhau nên tuy nhìn qui mô một lần thì nhỏ nhưng tổng thể lại rất to.
Có lẽ, do đã cảnh giác trước những “biến thái” này nên quận Quận Hà Đông đã quy định rất khắt khe, cụ thể. Đó là không được làm quá 40 mâm cỗ, tổ chức cưới gọn ở một nơi, trong một ngày, không mời tràn lan; khuyến khích tổ chức tiệc trà, cưới tập thể, cô dâu mặc áo dài dân tộc; cán bộ, đảng viên, công chức không đi ăn cỗ trong giờ hành chính.
Có thể nói, không có bất cứ chủ trương, chính sách nào có thể triệt để 100% nhưng qui định này thể hiện quyết tâm xây dựng Thủ đô văn hóa. Vì vậy, vấn đề là mỗi cán bộ, đảng viên có nghiêm chỉnh và tự giác thực hiện qui định của Thành ủy hay không? Liệu một chủ trương đúng đắn này có đi vào cuộc sống hay không cũng là điều không dễ tiên liệu. Rồi khi có phản ánh của nhân dân, liệu Thành ủy có nghiêm túc kiểm điểm hay lại chỉ “đánh trống bỏ dùi”?
Sẽ có hàng loạt câu hỏi được đặt ra xung quanh câu chuyện rất tế nhị này và theo bạn, làm thế nào để chủ trương này thực sự đi vào cuộc sống?
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!