Đi tay không đến cơ quan nhà nước làm "sổ đỏ", tại sao không?
(Dân trí) - Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP cuối tuần trước về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân gần như ngay lập tức nhận được sự đồng tình cao độ của đông đảo người dân. Nhưng thực sự bao giờ điều này chính thức được thực hiện?
Cụ thể, theo Nghị quyết trên, Chính phủ đã thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
Ở nhóm thủ tục đăng ký thường trú, Nhà nước sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng "sổ hộ khẩu" và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các loại giấy tờ về chuyển hộ khẩu, chứng minh mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú cũng sẽ được bãi bỏ.
Cũng tương tự, việc quản lý tạm trú cũng sẽ không còn "sổ tạm trú" mà thay bằng việc cập nhật thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Một điều đáng mừng nữa là đi cùng với việc bỏ "sổ hộ khẩu", các thủ tục như tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ tạm trú, gia hạn tạm trú… cũng được bãi bỏ.
Sở dĩ có thể nói rằng, Nghị quyết trên nhận được sự đồng tình cao vì ngay từ thời điểm nội dung của nó được công bố, những thông tin trên đã nhanh chóng được đưa lên, chia sẻ trên mạng xã hội, báo chí với tốc độ chóng mặt. Đại đa số ý kiến bình luận tên mạng xã hội, trên báo chí của người dân đều đồng tình với chủ trương này.
Thậm chí có nhiều người còn cho rằng, nếu thực hiện sớm được những việc trên, Chính phủ khóa này đã làm được một việc lớn, rất có ý nghĩa với người dân mà nhiều khóa trước chưa làm được.
Điều này dễ hiểu bởi trên thực tế, trong nhiều năm qua, thực tế, công dân khi làm nhiều việc: Học hành, xin việc, mua nhà...đều có những vướng mắc lớn, nhất là khi chưa có sổ hộ khẩu ở nơi họ cư trú. Có rất nhiều người đã từng kêu khổ khi xây nhà, mua nhà thì bị đòi phải có sổ hộ khẩu, còn để có sổ hộ khẩu thì lại bị yêu cầu phải có nhà ở nơi muốn có sổ hộ khẩu...
Cũng đã không ít cán bộ, công chức nhà nước, các chuyên gia lên tiếng về sự lạc hậu trong cung cách quản lý bằng sổ hộ khẩu. Đã có một số đại biểu Quốc hội đã từng phát biểu trước Quốc hội rằng: Quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu nay đã quá lạc hậu.
Cho nên, đang trong tâm trạng vui mừng thông tin sẽ bỏ sổ hộ khẩu và một số thủ tục, giấy tờ liên quan, không ít người lại tỏ ra lo ngại, thất vọng khi có thông tin từ Bộ Công an cho biết: Chưa thể ấn định thời gian bỏ sổ hộ khẩu (Dân trí đã đưa tin ngày 5/11). Bởi vì việc này, theo Bộ Công an, còn phụ thuộc rất lớn vào việc hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 15 thông tin cơ bản và việc kết nối với các bộ ngành đang quản lý các thông tin khác để đơn giản hoá thủ tục, giấy tờ công dân.
Có lẽ thông tin từ Bộ Công an cũng không sai vì mặc dù đây là chủ trương rất đúng đắn, được lòng dân nhưng việc bỏ sổ hộ khẩu cũng không hề là việc đơn giản bởi nó liên quan đến rất nhiều dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin, khả năng kết nối giữa các bộ, ngành...Mà có những hạn chế không phải dễ giải quyết trong một vài tháng, thậm chí là 1 năm.
Tuy nhiên, người dân hoàn toàn có lý khi mong muốn quá trình thực hiện Nghị quyết 116 của Chính phủ phải được làm một cách nhanh chóng hơn, không thể lại lấy các lý do trên để kéo dài thêm nhiều năm nữa.
Bởi thực tế, Việt Nam đã quá chậm trễ trong những cải cách hành chính liên quan đến giấy tờ, hồ sơ của công dân. Trong khi đó, ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước ASEAN đã thực hiện trên 10 năm nay rồi và những cải cách đó đem lại những hiệu quả to lớn: Giảm bớt thủ tục, giảm thời gian đi lại, chi phí cho người dân, cho nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển.
Với việc bỏ những thủ tục, quy định rắc rối hiện hành về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, theo nhiều chuyên gia về cải cách hành chính, trong tương lai gần,
người dân khi có nhu cầu sẽ đi tay không đến cơ quan hành chính làm thủ tục, ví dụ như lấy đăng ký kết hôn, làm hộ chiếu phổ thông hoặc làm sổ đỏ... Không cần phải mang kèm theo một loạt giấy tờ theo quy định nữa. Cái duy nhất mang theo là thẻ căn cước công dân.
Điều này không có nghĩa là Nhà nước giải quyết việc của dân không cần căn cứ gì mà những căn cứ này Nhà nước có sẵn nhờ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bởi vì, với số định danh công dân trên thẻ căn cước, cơ quan nhà nước tương ứng vào mạng sẽ biết được một loạt thông tin, một loạt dữ liệu về người dân đã được đưa vào mạng từ trước và qua đó có cơ sở để giải quyết việc của người dân đó.
Bỏ sổ hộ khẩu thì không có nghĩa là Nhà nước sẽ khó khăn hơn trong quản lý dân cư, không phải cơ quan công an sẽ không dễ dàng phát hiện tội phạm. Ở các nước đã bỏ sổ hộ khẩu từ lâu, khi có một vụ khủng bố xảy ra, cơ quan điều tra đã nhanh chóng tìm được thủ phạm nhờ các thông tin cập nhật mới nhất về địa điểm cư trú, nơi ở gần nhất của các nghi phạm. Mà Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân là công cụ quan trọng.
Chính vì những giá trị, hiệu quả của việc cải cách, bãi bỏ sổ hộ khẩu và các thủ tục, giấy tờ liên quan, Chính phủ càng nên chỉ đạo đẩy nhanh quá trình này, đưa Nghị quyết trên vào cuộc sống, có những khoản đầu tư để nâng cấp nhanh hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối giữa các cơ quan nhà nước. Và cũng rất cần người dân hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân cho cơ quan quản lý để sớm hình thành đầy đủ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sớm thực hiện chủ trương này.
Mạnh Quân