Đến phát ngán với thói "ngáo quyền lực, mê sống ảo"!
(Dân trí) - "Tấm thẻ đỏ quyền lực" và câu chuyện "bác sĩ rút ống thở của mẹ cứu sản phụ song thai" là hai trong những "cú lừa" gây sốc nhất trong tuần vừa rồi.
Khoảng 6h sáng ngày 7/8, Phạm Ngọc T. đã đăng đoạn clip trên và chèn thêm nội dung "Tại sao tôi vẫn đi vòng quanh Hà Nội được khi có chốt á" và "Thẻ đỏ quyền lực của babaaaaa" lên tài khoản TikTok cá nhân
Nực cười thay, thẻ trên đã hết hạn gần 4 năm (có giá trị từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/12/2017). Mà hỡi ôi, "quyền lực ảo" lại được sử dụng chẳng với mục đích gì khác ngoài "câu view", thu hút người xem.
Không rõ chủ nhân clip không hiểu hay cố tình lờ đi rằng, tin giả có thể mang đến sự nổi tiếng (mà đúng hơn là tai tiếng) cho một cá nhân nhưng nguy hiểm hơn, nó còn biến quy định và luật pháp trong con mắt dư luận trở thành một trò đùa.
Cô này sau đó bị phạt 12,5 triệu đồng vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật về việc "Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân" quy định tại điểm a, Khoản 3, Điều 99, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Ngẫm mà ê chề làm sao!
Xin thưa với cô T. rằng, trong lúc "nước sôi lửa bỏng", Hà Nội nói riêng và cả nước đang căng mình chống dịch, bất cứ ai vi phạm cũng bị xử lý. Nhiều vị cán bộ ở nhiều cấp chính quyền địa phương, vì buông lỏng hoặc không chấp hành đúng quy định phòng, chống dịch, đặc biệt là trong thời gian giãn cách, đều đã bị phạt thẳng tay, huống hồ trong tay cô chỉ là cái "thẻ cán bộ"!
Vừa rồi ở phường Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội), ông Nguyễn Bách Lợi - Bí thư Đảng ủy phường cũng đã bị chính UBND phường này quyết định xử phạt 2 triệu đồng vì ra đường không đeo khẩu trang.
Càng là cán bộ, càng là những người có địa vị lại càng phải nghiêm túc trong việc thực hiện các quy định về phòng chống dịch.
Một khi đã vi phạm, quyền lực thật còn không ăn ai nữa là quyền lực ảo!
Mà thực, chẳng hiểu sao xã hội nay có rất nhiều người muốn vào vai "cáo" để "núp oai hùm". Khoe hưởng đặc quyền, nói đi nói lại chẳng qua cũng vì thói sĩ diện hão, rằng "ta đây" có gia thế, quan hệ rộng.
Cách đây ít lâu, một số cô gái còn khoe "thẻ đi đường ông ngoại cấp", "vắc xin ông ngoại", "vắc xin ông anh trai"… khiến những người trong cuộc một phiên lao đao. Mà oái oăm thay, đến khi kiểm tra lại, trong số này lại có những trường hợp đăng tin giả, "đặt điều" cho chính người thân của mình.
Liên quan đến câu chuyện thứ hai - "bác sĩ rút ống thở của mẹ cứu sản phụ song thai" sau khi cơ quan thanh tra vào cuộc đã xác minh nội dung trên hoàn toàn bịa đặt.
Chưa rõ câu chuyện "lấy nước mắt" cộng đồng này được dựng lên với mục đích gì, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TPHCM, thông tin trên khiến nhiều người dân hoang mang và lo sợ. Sở TT&TT TPHCM còn cho biết, "có dấu hiệu trục lợi" ở vụ việc này. Hiện tại, đã có hai chủ tài khoản Facebook bị xử phạt hành chính do chia sẻ nội dung trên.
Cần nói rõ rằng, bên cạnh các kênh báo chí chính thống thì các trang mạng xã hội cũng mang lại nguồn thông tin phong phú. Tuy vậy, do việc đăng tin, chia sẻ tin tức quá dễ dàng và người tiếp nhận cũng quá dễ dãi, hay bị đánh vào "tâm lý ngược" nên thường bị tin giả "dắt mũi".
Có câu "rảnh rỗi sinh nông nổi", "nhàn cư vi bất thiện", không biết có phải có những người dư thừa thời gian, rảnh quá hay không mà lại cứ thích xuyên tạc và lan truyền tin giả nhằm câu view, hòng nổi tiếng ?!
Dịch giã đã phức tạp và mệt mỏi lắm rồi, các cấp các ngành đều đang tập trung mọi nguồn lực để chống dịch, nếu không thể ngồi yên một chỗ thì thay vì tạo "fakenews", đề nghị đưa các Tiktoker, Facebooker nói trên trực tiếp đến các bệnh viện nơi dịch đang bùng phát để ít nhất cho họ thấy "cuộc sống thật" là như thế nào.