Đến bao giờ thì mới không còn phải “giải cứu”?

(Dân trí) - “Giải cứu dưa hấu”, “giải cứu thanh long”, “giải cứu cam”,… năm nào cũng vậy, cứ mỗi lần có biến động ở thị trường Trung Quốc, gặp khó khăn ở biên mậu, thị trường nông sản lại trông chờ… “giải cứu”.

Đến bao giờ thì mới không còn phải “giải cứu”? - 1

Một điệp khúc kéo dài và không rõ đến lúc nào kết thúc.

Những thông điệp “giải cứu” ở khắp nơi, từ mạng xã hội đến các vỉa hè, đường phố. Việc giải cứu là một hoạt động nghiêng về đạo đức hơn là lựa chọn mang tính thị trường. Dù người viết hi vọng rằng, “giải cứu” phần nào sẽ tháo gỡ khó khăn cho người nông dân, song không mong chờ đây sẽ là một hoạt động mang tính… thường niên của người tiêu dùng trong nước.

Một bài báo đăng tải ngày 15/2 trên Tiền Phong phản ánh, nông sản ế ẩm nhưng lại không muốn bán trong nước. Theo đó, người nông dân không muốn bán hàng trong nước vì giá luôn thấp hơn giá xuất khẩu. Còn giám đốc thu mua của một hệ thống siêu thị lại bày tỏ mong muốn các địa phương mang sản phẩm đến giải cứu cần chú ý về chất lượng hơn.

“Cần mang đến sản phẩm có chất lượng tốt. Nếu cứ nghĩ giải cứu là giá rẻ, chất lượng thấp, người tiêu dùng nói không ngon thì lâu dần sẽ quay lưng với sản phẩm giải cứu”, vị đại diện siêu thị cho biết.

Đó quả là một nghịch lý. Song nếu soi xét lại, mọi việc đều có nguyên do nhất định. Chuyên gia Ngô Trí Long cho biết, dù là nước nông nghiệp nhưng nhiều loại nông sản của Việt Nam chưa được đảm bảo tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu sang các nước phát triển thì chủ yếu sẽ xuất sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, những năm gần đây, Trung Quốc thay đổi chính sách, hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch, yêu cầu xuất khẩu chính ngạch với các tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng. Và từ đó, tạo nên thế khó cho nông dân Việt, vì ngay tại thị trường nội địa, người tiêu dùng cũng đã trở nên khó tính hơn. Không khó để thấy hoa quả tươi, các loại nông sản chất lượng từ Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật Bản… được nhập về rất nhiều ở các cửa hàng, siêu thị Việt.

Do đó, bên cạnh những giải pháp nhằm tìm đầu ra cho nông sản, đặc biệt chú ý đến tiêu thụ nội địa thì hoạt động tổ chức sản xuất của người nông dân phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa. Nếu như nông dân chúng ta không định vị lại chất lượng sản phẩm và vẫn sản xuất theo tư duy cũ, theo một lối mòn thì rất khó để giải bài toán đầu ra. Nói cách khác, vấn đề cốt lõi là phải “giải cứu” về cách tư duy và phương thức sản xuất.

Cách đây vài ngày, một bản tin trên VTV đề cập đến mô hình phát triển hợp tác xã hoa ở Hà Lan, trong đó cho biết, hợp tác xã hoa Hà Lan đã thành lập hơn 100 năm (từ năm 1912) và mỗi năm mang về doanh thu hơn 4 tỷ USD, đưa ngành công nghiệp hoa Hà Lan trở thành lớn nhất toàn cầu.

Hợp tác xã này ra đời từ nhu cầu hợp tác của những người nông dân để bán hoa với giá cao nhất. Được đặt giữa một vùng trồng hoa khổng lồ, 17h mỗi ngày, nông dân chở hoa đến trung tâm để chuẩn bị cho phiên đấu giá sáng hôm sau. Giá và chất lượng hoa do nông dân tự công bố. Nếu người mua trả thấp hơn giá sàn thì hoa sẽ bị tiêu hủy để giữ ổn định thị trường.

Đây chỉ là một ví dụ cho thấy, nếu có những kế hoạch kinh doanh bài bản và có hệ thống, rõ ràng, bài toán về giá và đầu ra cho nông sản hoàn toàn giải quyết được.

Trên tư cách một người tiêu dùng, tôi vẫn mong muốn rằng, người Việt sẽ được sử dụng những sản phẩm chất lượng nhất do người Việt sản xuất. Khi đó, chúng ta tự nâng tầm để trở thành một thị trường chất lượng, một thị trường mà cả người tiêu dùng và người sản xuất đều có lợi, tin tưởng vào nhau, không ai cần “giải cứu”!

Phần còn lại, câu trả lời xin chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương và lãnh đạo các địa phương.

Bích Diệp